Bé gái sinh năm 2023, ngụ tỉnh Long An, gia đình hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ sống bằng nghề trồng khoai mỡ với thu nhập thấp, nuôi 4 con.
Từ 2 tháng tuổi, trẻ đối mặt với các bệnh lý gan nghiêm trọng và nhiều biến chứng nhiễm khuẩn nặng. Trẻ bị nôn ra máu nhiều lần, được bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nỗ lực nội soi cầm máu. Tình trạng ngày càng nghiêm trọng, bé được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để tìm giải pháp triệt để hơn.
Các bác sĩ chụp ảnh cùng bé gái 22 tháng tuổi được ghép gan tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. (Ảnh: BVCC)
TS.BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại gan mật tụy, Trưởng đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tham gia hội chẩn và phát hiện bé bị xơ gan nặng.
Đội ngũ bác sĩ quyết định ghép gan là phương pháp tối ưu để cứu sống trẻ. Cô ruột của bệnh nhi là người hiến một phần lá gan. Cha ruột bệnh nhi dự định hiến gan nhưng phát hiện có vi khuẩn lao nên không đủ điều kiện.
Bệnh viện T.Ư Huế lập ‘kỷ lục’ thực hiện 8 ca ghép tạng trong 48 giờ
Các bác sĩ sử dụng phương pháp mổ nội soi ít xâm lấn để giảm thiểu đau đớn và thời gian hồi phục cho người hiến.
Sau hai ngày phẫu thuật, người cô hiến tặng gan cho cháu có thể đi lại bình thường và xuất viện sau 5 ngày. Hơn 20 ngày điều trị, bệnh nhi hồi phục tốt, đã xuất viện ngày 6/6.
Bác sĩ Long chia sẻ, ghép gan cho trẻ em là thử thách lớn nhưng cũng là niềm tự hào khi thấy các bé phục hồi và có cơ hội sống khỏe mạnh như bao trẻ em khác.
Ca ghép gan cho trẻ 22 tháng tuổi này là ca ứng dụng phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép từ người nhà hiến gan cho bệnh nhi. Phương pháp này giúp người hiến bớt đau nhức sau mổ, phục hồi nhanh, ra viện sớm với sẹo mổ nhỏ. Việc áp dụng thành công kỹ thuật này nhằm chia sẻ bớt sự vất vả cho người bệnh khi cần hiến tạng cứu người thân của mình.