Ông Hùng, 58 tuổi, uống rượu 20 năm qua, nghiện nặng khoảng 6 năm nay. Mỗi ngày, ông uống một lít rượu trắng, có ngày nhiều hơn. "Sáng dậy tôi phải súc miệng bằng một cút rượu mới tỉnh táo được", ông Hùng nói sau một tuần điều trị suy kiệt, rối loạn tâm thần do rượu, tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Đây là lần thứ 10 ông nhập viện do rượu, cũng là 10 lần ông quyết tâm bỏ rượu nhưng chưa lần nào thành công. Năm ngoái, sau lần suýt chết vì xuất huyết tiêu hóa do uống quá nhiều rượu, ông Hùng bỏ được 4 tháng. Sau đó, "đi ăn cỗ nhìn mọi người uống, tôi không kiềm chế được, nghĩ uống một hai chén không sao, nào ngờ nghiện lại", ông giãi bày.

Bà Hạnh, vợ ông, cho biết 5 năm qua, rượu khiến sức khỏe chồng đi xuống trầm trọng. Ông hầu như không làm được việc gì, cả ngày trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Không biết bao nhiêu lần bà khuyên chồng "bỏ rượu đi" và tìm mọi cách ngăn cản nhưng không được. "Tôi cấm con cái cho tiền thì ông ra quán mua chịu rượu về uống, dùng thuốc cai rượu vài ngày rồi thôi", bà Hạnh nói, thêm rằng họ hàng có cỗ bàn cũng không cho chồng đi nhưng không thể cấm cản mãi được.

1-jpeg-3295-1717664585.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=THXXe4ducCI3gwuNENpxbQ

Một bệnh nhân nghiện rượu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh:Thùy An

TS.BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, điều trị ông Hùng, nói rằng nghiện rượu là sự thèm muốn mạnh mẽ, đòi hỏi thường xuyên phải uống. Lâu dần hình thành thói quen, rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, hao tổn về mặt kinh tế, xã hội.

Rượu là một trong những căn nguyên dẫn đến loạn thần, giảm nhớ, mất ngủ, tai biến, nghiện, kích động và bạo lực. Rượu ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dẫn đến xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, viêm tụy, viêm dạ dày. Rượu có thể dẫn đến nguy cơ sinh con dị tật, giảm khả năng sinh dục và có nhiều hệ lụy khác như tăng huyết áp, suy tim...

Song, người nghiện rượu thường tái nghiện, nguyên nhân chủ yếu do không quyết tâm cai. Bác sĩ Hà lý giải nghiện rượu hay nghiện chất đều là mạn tính nên muốn ngừng không hề dễ dàng, mỗi lần nhập viện lại kèm thêm nhiều bệnh khác. Ngoài điều trị bằng thuốc men, các bác sĩ phải can thiệp tâm lý, giúp bệnh nhân có động lực, quyết tâm để bỏ hay từ chối uống rượu.

"Cai rượu không dễ, quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm của người bệnh", bác sĩ Hà nói, thêm rằng đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp tái nghiện, nhập viện đến 15-20 lần. Khi tự nguyện cai rượu, họ sẽ giảm dần lượng rượu uống đến khi ít ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, quá trình cai tự nguyện phải mất vài tháng, người xung quanh phải giúp đỡ, nhắc nhở và động viên cho họ có thêm động lực.N

Người nghiện rượu nặng, khi tự cai sẽ xuất hiện hội chứng cai rất rõ. Họ có thể bị run, vã mồ hôi, đau bụng buồn nôn, mạch nhanh, mất ngủ, thậm chí co giật, loạn thần. Chính những triệu chứng này khiến người vật vã rất khó chịu, và tìm lại rượu để uống.

Số ít trường hợp quyết tâm, chọn cách tự nhốt mình lại để không tiếp xúc với rượu. Thế nhưng khi run, vã mồ hôi nhiều, không bù dịch được sẽ dẫn đến mất điện giải, suy thận cấp, thậm chí co giật, nguy hiểm đến tính mạng. "Một bệnh nhân của tôi cai rượu ngày thứ ba thì bị suy thận cấp nặng, may được cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống" , bác sĩ Hà nói.

PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nói người nghiện rượu muốn bỏ thì phải cai, giảm dần số lượng uống, thời gian mất vài ba tuần hoặc cả tháng. "Muốn cai rượu phải tự mình quyết tâm mới bỏ được, nghiện nặng thì phải vào viện điều trị", ông Duệ nói, cho biết thêm tự bỏ rượu có thể đột ngột lên cơn sảng rượu, gây ảo giác tâm thần gây nguy hiểm cho chính mình và người xung quanh. Không ít người tự cai tại nhà bằng cách nhốt mình lại, dẫn đến biến chứng suy hô hấp, hôn mê phải điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu.

Vì vậy, theo bác sĩ Hà, khi quyết tâm bỏ rượu thì bệnh nhân được bác sĩ đánh giá cơ thể, sức khỏe, phương án cai tại nhà hay cai ở cơ sở y tế. Bác sĩ cũng tư vấn khi cai rượu phải chuẩn bị những gì, bù dịch thế nào, thuốc thang đi kèm... để tránh những sự cố đáng tiếc.

Còn ông Hùng, sau khi được bác sĩ điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý, sức khỏe đã ổn định. Lần này xuất viện, ông nói với vợ và bác sĩ "sẽ cố gắng cai bằng được, hy vọng không phải đến viện lần nào vì rượu nữa".

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022