Người đàn ông Đài Loan (Trung Quốc) Wang Yongzhang từng chia sẻ thói quen ăn uống không tốt của em gái anh 30 tuổi trên mạng xã hội. Anh cho biết, em gái anh thường xuyên thức khuya, thích ngủ đến trưa hoặc chiều, thích ăn gà rán bít tết và các món nhiều dầu mỡ khác, mùa hè thậm chí còn uống 3 cốc trà sữa mỗi ngày dù gia đình có khuyên nhủ thế nào thì vẫn thờ ơ, không để tâm.
Anh cho biết thêm rằng em gái anh bị mắc kẹt trong thói quen ăn uống không tốt đó và không thể nhận ra rằng tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Thói quen này của em gái anh cứ thế tiếp diễn trong vài năm, dẫn đến mạch máu của cô ngày càng nhỏ hẹp lại do sự hình thành "bành trướng" của các mảng xơ vữa động mạch, và cuối cùng dẫn đến cơn đột quỵ.
Hiện tại, em gái anh vẫn phải đặt vô số ống thở, mắt không thể mở được, chân tay cũng không thể cử động, gia đình và bạn bè đến thăm cũng chỉ có thể im lặng vì cô gái không thể nói chuyện, sẽ phải vật lý trị liệu suốt đời. Nhìn em gái mình trong tình trạng này, anh Wang chỉ có thể thở dài: "Những đồ uống nhiều đường thực sự đang đầu độc cơ thể từng chút một và làm xói mòn sức khỏe nếu bạn tiêu thụ mà không kiểm soát".
Đồ uống nhiều đường làm tăng nguy cơ cao huyết áp và đột quỵ
Amy Tsang, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Dinh dưỡng và Vật lý Trị liệu Chăm sóc Sức khỏe (Đài Loan, Trung Quốc), cho biết việc tiêu thụ quá nhiều đường trong thời gian dài sẽ làm tăng nồng độ chất béo trung tính trong máu. Triglyceride là một loại lipid máu, lipid máu cao có thể khiến thành mạch máu dày và cứng, dần dần phát triển chứng xơ vữa động mạch, cản trở lưu lượng máu và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoàn toàn bởi cục máu đông, nó có thể phát triển thành cơn đau tim hoặc đột quỵ, có thể dẫn đến suy tim hoặc thiếu oxy não.
Cảnh giác với đột quỵ ở trẻ em
Theo Healthline, đường có thể làm tăng huyết áp của bạn theo nhiều cách. Nghiên cứu chỉ ra rằng đường, đặc biệt là đồ uống nhiều đường, góp phần làm tăng cân ở cả người lớn và trẻ nhỏ - một trong những nguyên nhân gây ra cao huyết áp.
Nghiệm trọng hơn. trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên Tạp chí Y khoa quốc tế JAMA, Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng tại Harvard TH và các đồng nghiệp đã tìm thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều đường và nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn. Trong suốt cuộc nghiên cứu kéo dài 15 năm, những người tiêu thụ 17% đến 21% lượng calo từ đường bổ sung có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 38% so với những người tiêu thụ 8% lượng calo từ đường bổ sung.
Giáo sư Hu cho biết: "Về cơ bản, lượng đường bổ sung càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim càng cao". Tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là trong đồ uống có đường, góp phần làm tăng cân bằng cách đánh lừa cơ thể bạn tắt hệ thống kiểm soát sự thèm ăn vì lượng calo lỏng không gây cảm giác thỏa mãn như lượng calo từ thức ăn đặc. Đây là lý do tại sao mọi người dễ dàng bổ sung nhiều calo hơn vào chế độ ăn uống thông thường khi tiêu thụ đồ uống có đường.
"Tác động của việc bổ sung đường - huyết áp cao hơn, viêm nhiễm, tăng cân, tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ - đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ", Giáo sư Hu nhận định.
Lượng đường cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan lên 78%
Đường có hại cho cơ thể. Một nghiên cứu của Hoa Kỳ đã theo dõi 90.504 phụ nữ từ 50 đến 79 tuổi trong 18 năm. Kết quả cho thấy khoảng 7% trong số đó những người được nghiên cứu đã uống đồ uống có đường mỗi ngày một lần hoặc nhiều hơn, tức là khoảng 12 ounce (khoảng 350ml) nước ngọt hoặc nước trái cây. So với những người uống ba lần hoặc ít hơn một tháng, thì nhóm uống mỗi ngày một lần hoặc nhiều hơn có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn 1,78 lần, tức nguy cơ ung thư gan tăng 78%.
Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng tại Harvard TH giải thích: Gan của bạn chuyển hóa đường giống như rượu và chuyển đổi carbohydrate trong chế độ ăn uống thành chất béo. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo nhiều hơn, có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, góp phần gây ra bệnh về gan, thậm chí là ung thư gan.
Nguồn và ảnh: TOPick, Healthline, Harvard TH