Đó chính là vi khuẩn Salmonella!
Thời gian gần đây, các vụ ngộc thực phẩm liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương.
Sáng 1/4, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thông báo, bệnh viện tiếp nhận 10 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP.Nha Trang) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng trước cổng trường. Các món ăn bao gồm: cơm gà, nui, mì Ý.
Hồi tháng 3, ngành y tế Khánh Hòa ghi nhận 369 người bị ngộ độc sau ăn tại quán cơm gà Trâm Anh vào bữa trưa và chiều ngày 11-12/3. Nguyên nhân ngộ độc được cho là các món gà, sốt trứng, dưa chua... lây nhiễm chéo các vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết nguyên nhân học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại huyện miền núi Sơn Hà vào ngày 10/3 là nhiễm vi sinh vật (Salmonella).
Trước đó, năm 2022 có 648 học sinh trường Ischool nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó một ca tử vong. Nguyên nhân ngộ độc do vi khuẩn Salmonella từ món cánh gà chưa nấu chín.
Cơm gà không phải là món ăn duy nhất để nhiều người đổ lỗi, hoặc sợ hãi tránh xa vì nguy cơ nhiễm khuẩn Samonella. Vào tháng 9/2023, chúng cũng xuất hiện trong mẫu bánh mì Phượng, khiến hơn 140 người bị ngộ độc thực phẩm.
Cơm gà rất dễ xuất hiện vi khuẩn Salmonella, nhất là khi thời tiết ngày càng nóng lên. (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), Salmonella rất độc vì sinh ra ngoại độc tố. Ngoại độc tố này không bị phân hủy bởi nhiệt nên dù thực phẩm nấu chín, người dùng vẫn có thể bị ngộ độc. Ngoại độc tố của vi khuẩn Salmonella vào cơ thể sẽ trực tiếp gây bệnh, thậm chí có thể gây tử vong.
Nhất là khi thời tiết ngày càng nóng lên, tạo điều kiện cho nước uống, thực phẩm bị ôi thiu nhanh hơn, Salmonella càng dễ sinh sôi, phát triển. Do đó, người dân càng nên chú ý ăn uống, bảo quản thực phẩm đúng cách, ăn uống hàng quán cần hết sức cẩn trọng.
Những thực phẩm sau cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella cao
1. Thịt gia cầm
Không chỉ riêng thịt gà, thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín kỹ nói chung đều có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella cao. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các sản phẩm gà tẩm bột, như gà viên, cũng thường có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Salmonella vì nhiều người nghĩ rằng chúng đã được nấu chín kỹ khi mua, dẫn đến chủ quan, dễ nhiễm khuẩn.
Các sản phẩm gà tẩm bột, như gà viên, cũng thường có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Salmonella. (Ảnh minh họa)
2. Trứng
Trứng luôn có sẵn trong tủ lạnh của mọi gia đình, được chuộng dùng bởi tính tiện lợi, nhanh chóng, bổ dưỡng.
Trứng rất nhạy cảm với vi khuẩn Salmonella, có thể khiến bạn bị bệnh nếu ăn sống hoặc nấu chưa chín. Do đó cần chú ý ăn trứng chín kỹ, tránh bị nhiễm khuẩn đáng tiếc.
3. Rau, trái cây ăn sống
Trái cây và rau quả, như rau lá xanh, dưa chuột, cà chua và hành tây, rất dễ gây ngộ độc thực phẩm khi ăn sống.
Đáng nói, nhiều thực phẩm trên thường được dùng để ăn sống. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella. Chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn chủ yếu là do nguồn nước dùng để tưới tiêu.
Trái cây và rau quả, như rau lá xanh, dưa chuột, cà chua và hành tây, rất dễ gây ngộ độc thực phẩm khi ăn sống. (Ảnh minh họa)
4. Giá đỗ
Các loại rau sống khác nhau, bao gồm cỏ linh lăng và giá đỗ, có liên quan đến ngộ độc salmonella. Giá đỗ cần nước và điều kiện ấm áp để hạt nảy mầm, tạo ra môi trường thực sự tốt cho vi khuẩn phát triển.
Do đó, mua giá đỗ để ăn, bạn cũng cần chú ý mua nguồn đảm bảo. Bạn có thể tự làm giá đỗ nhưng cũng cần chú ý rửa sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn Salmonella.
5. Hải sản
Cá và động vật có vỏ cũng có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella, đặc biệt nếu chúng được nhập khẩu từ những nơi có khí hậu ấm hơn. Nấu chín hải sản sống đúng cách là cách tốt nhất để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.