
Hầu hết bệnh nhân không theo dõi định kỳ, điều trị không liên tục hoặc tự ý dùng thuốc trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Một trường hợp điển hình là bệnh nhân B.T.N. (nữ, 54 tuổi, Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng vàng da đậm, phù toàn thân, suy kiệt và khó thở. Bệnh nhân được xác định mắc viêm gan B từ hơn 30 năm trước nhưng không điều trị, từng dùng thuốc nam trong một thời gian rồi dừng hẳn. Gần đây, bệnh nhân có thói quen tự sử dụng thuốc giảm đau kéo dài sau một chấn thương, không qua thăm khám.
Tôi dừng ăn thứ này trong các bữa sáng và giảm cân từ cỡ XL xuống M chỉ trong 5 tháng: Cách này đơn giản đến mức ai cũng làm được
Trước khi nhập viện 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện vàng da tăng dần, mệt mỏi, sau đó sốt cao liên tục 38-39 độ C và yếu dần. Khi vào Khoa Cấp cứu, bệnh nhân tỉnh nhưng trong tình trạng suy hô hấp, chảy máu vị trí tiêm truyền, phù toàn thân, siêu âm cho thấy tràn dịch màng phổi và cổ trướng lượng nhiều.
Xét nghiệm ghi nhận men gan tăng gấp 4 lần bình thường, chỉ số GGT tăng hơn 10 lần, bilirubin toàn phần tăng gần 17 lần và CRP lên đến 161 mg/L, cho thấy nhiễm trùng toàn thân nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán suy gan tiến triển trên nền viêm gan B mạn, kèm viêm phổi và nhiễm trùng huyết.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.V.H. (nam, 47 tuổi, Thái Bình), nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Dù biết mình mắc viêm gan B suốt 20 năm, bệnh nhân chưa từng điều trị. Tình trạng quá nặng khiến gia đình xin cho bệnh nhân về chỉ sau chưa đầy một ngày nhập viện.
ThS.BS Phạm Thanh Bằng - người trực tiếp điều trị cảnh báo: Viêm gan B có thể âm thầm tồn tại hàng chục năm mà không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi cơ thể suy yếu hoặc người bệnh sử dụng thuốc không kiểm soát, virus có thể tái hoạt và gây suy gan cấp. Tình trạng này có thể diễn tiến nhanh, gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Từ các ca bệnh thực tế, ThS.BS Phạm Thanh Bằng khuyến cáo: Người mắc viêm gan B mạn tính, kể cả khi không có triệu chứng, cần đi khám định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi chức năng gan và tải lượng virus. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc bắc hoặc thuốc không rõ nguồn gốc, vì chúng có thể gây độc cho gan và đẩy nhanh tiến trình xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan.
Phát hiện sớm, theo dõi định kỳ và điều trị đúng phác đồ là yếu tố then chốt giúp kiểm soát viêm gan B, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ tính mạng người bệnh.