Tinh thần “từ sớm, từ xa, không để khi xảy ra dịch mới triển khai” đã được cụ thể hóa bằng hành động thực tiễn và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Theo ông Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế – hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết hiện tại đang rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, nên nguy cơ số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra. Trên cơ sở kinh nghiệm thực tế nhiều năm, ông Sơn lưu ý rằng số ca mắc thường có xu hướng tăng từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm – trùng với thời kỳ mưa nhiều trên cả nước.

Một điểm đáng lo ngại khác là chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong những năm gần đây đang rút ngắn, từ khoảng 5 năm một lần xuống còn 3–4 năm. Đợt dịch gần nhất xảy ra vào năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc. “Do đó, nếu các địa phương không triển khai biện pháp phòng chống quyết liệt ngay từ đầu mùa, nguy cơ dịch bùng phát trở lại trong năm 2025 là rất lớn” – ông Sơn cảnh báo.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã không đợi đến khi dịch bùng phát mới phản ứng. Trong suốt nửa đầu năm 2025, Bộ đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo toàn hệ thống y tế và chính quyền địa phương vào cuộc chủ động phòng, chống dịch với tinh thần “từ sớm, từ xa”. Đặc biệt, những hành động cụ thể này đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực – đây là điểm mà ông Sơn nhấn mạnh rõ.

ttxvn-0907-phun-thuoc-muoi-1752219538702-17522195391581393512406.jpg

Các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, loại bỏ lăng quăng, bọ gậy đã được triển khai quyết liệt. Ảnh TTXVN

Theo đó, ngay từ tháng 4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ngày 24/5/2025, Bộ tiếp tục có công văn chỉ đạo tổ chức chiến dịch cao điểm trong tháng 6–7, khi nguy cơ dịch đạt đỉnh. Đồng thời, Bộ đã gửi văn bản tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong trường học, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cao, nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh.

Trên thực tế, các địa phương đã vào cuộc chủ động. Ông Sơn cho hay Bộ Y tế đánh giá cao việc nhiều tỉnh, thành đã xác định được các điểm nóng, khu vực có ổ dịch cũ và vùng nguy cơ cao để tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ngay các ổ dịch, không để lan rộng hoặc kéo dài. Các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, loại bỏ lăng quăng, bọ gậy đã được triển khai quyết liệt. “Việc triển khai sớm và đúng trọng điểm đã góp phần quan trọng giúp kiểm soát ổn định tình hình dịch đến thời điểm hiện tại” – ông Sơn khẳng định.

Không chỉ hệ thống y tế, cả hệ thống chính trị ở cơ sở cũng được huy động. Chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ tổ dân phố, người có uy tín tại cộng đồng đều tham gia vào chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn và cùng người dân loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy ngay tại hộ gia đình. Nhiều địa phương tổ chức phát động phòng dịch tận xã, phường, đến từng hộ dân – đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện vệ sinh môi trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cũng đã liên tục cử các đoàn công tác đến hỗ trợ, kiểm tra, hướng dẫn địa phương có nguy cơ cao thực hiện đúng kỹ thuật xử lý ổ dịch, giám sát ca mắc sớm và xử lý kịp thời ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Theo ông Sơn, sự chủ động này giúp “khoanh gọn, dập nhanh” các ổ dịch tiềm ẩn, góp phần kiểm soát tốt tốc độ lây lan.

Về truyền thông, Bộ Y tế xác định đây là giải pháp nền tảng giúp nâng cao nhận thức người dân. Các chiến dịch truyền thông đã được thực hiện rộng khắp thông qua hệ thống phát thanh, báo chí, mạng xã hội, kết hợp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Những thông điệp ngắn gọn như “Ngủ màn kể cả ban ngày”, “Đậy nắp dụng cụ chứa nước”, “10 phút mỗi tuần diệt lăng quăng”… được phổ biến dễ nhớ, dễ làm, giúp người dân chủ động thực hiện tại nhà.

Không chỉ phòng bệnh, hệ thống điều trị cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các bệnh viện đã thực hiện phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, dịch truyền, hóa chất, nhân lực, thiết bị y tế, sẵn sàng thu dung và điều trị hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ tử vong. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, phân loại bệnh nhân, đặc biệt tại tuyến cơ sở.

“Qua theo dõi, các chiến dịch đã triển khai đang phát huy hiệu quả. Các địa phương đã tổ chức đợt truyền thông cao điểm, vận động đến từng hộ gia đình, tập trung đặc biệt vào các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động vệ sinh môi trường, loại bỏ vật chứa nước đọng, diệt bọ gậy, ngủ màn… đã được triển khai đồng loạt, góp phần tích cực trong việc kiểm soát bệnh sốt xuất huyết, hạn chế số mắc tăng cao” – ông Võ Hải Sơn khẳng định.

Đại diện Cục Phòng bệnh đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và người dân trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh, để duy trì kết quả này và kiểm soát tốt sốt xuất huyết trong cả mùa dịch, các hoạt động phòng chống cần được triển khai kiên trì, liên tục và có chiều sâu, với sự tham gia của từng hộ dân. “Phòng dịch không phải chuyện của riêng ngành y tế. Mỗi người dân là một mắt xích quan trọng để ngăn dịch bùng phát” – ông nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022