Bệnh nhân được bệnh viện địa phương chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 20/10, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ, đi tiêu máu đỏ tươi... Các bác sĩ cấp cứu chẩn đoán bệnh nhân bị sốc do mất máu, xử trí bằng cách lập hai đường truyền bốn đơn vị hồng cầu và hai đơn vị huyết tương, bù nhanh dịch truyền. Kết quả nội soi dạ dày bệnh nhân không ghi nhận tổn thương, còn nội soi đại tràng có nhiều máu đỏ tươi nhưng không tìm thấy vị trí chảy máu. Chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang thì phát hiện thoát mạch, chảy máu từ ruột non.
Kíp cấp cứu quyết định nút động mạch trên máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để cầm máu, xác định vị trí ổ thoát mạch từ ruột non và bơm hỗn hợp keo để bít tắc hoàn toàn nhánh thoát mạch. Thời gian can thiệp 45 phút, sau đó sinh hiệu bệnh nhân ổn định, tiếp tục theo dõi và điều trị.
Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, niêm mạc hồng, không bị xuất huyết tái phát.
Từ trái qua, ổ thoát mạch tại ruột non bệnh nhân trước và sau can thiệp. Ảnh: Thanh Phong
Các bác sĩ cho biết đây là trường hợp rất hiếm gặp. Xuất huyết tiêu hóa từ ruột non là một nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa dưới, tỷ lệ xảy ra khoảng 20/100.000 người, tỷ lệ tử vong 2-5%.
Phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn, trường hợp nặng vẫn chảy máu sau điều trị nội khoa và nội soi sẽ được can thiệp chuyên sâu. Can thiệp nội mạch được xem là một trong những phương pháp nhanh, hiệu quả và an toàn. Khi đó, các bác sĩ luồn ống thông vào mạch máu của bệnh nhân để can thiệp vào mạch máu đang bị xuất huyết, từ đó xử trí nhanh, xâm lấn tối thiểu và hạn chế tác dụng phụ.
Bác sĩ khám bệnh nhân ngày 25/10. Ảnh: Thanh Phong
Cửu Long