Thông tin được TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, nêu tại lễ khởi động Chương trình Giáo dục bệnh Glôcôm cho bệnh nhân, chiều 24/10.

Glôcôm là nhóm bệnh mà nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, gây lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường (trường nhìn của mắt). Theo ông Tịnh, nhiều bệnh nhân bị mù một mắt do glôcôm mà không hề hay biết, vì vậy glôcôm được ví là "kể đánh cắp thị lực thầm lặng".

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai, sau bệnh đục tinh thể. Ước tính hiện nay cả thế có khoảng 80 triệu người mắc bệnh glôcôm, con số này được dự đoán tăng lên 112 triệu vào 2040.

Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh glôcôm không biết có bệnh và không đi khám. Trong khi ở các nước đang phát triển, con số này có thể tới 90%. Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ của Viện Mắt Trung Ương, năm 2015 có 13.160 người mù do bệnh glôcôm.

Bệnh khó phát hiện vì thế đa phần người bệnh nhập viện khi đã muộn, thị lực khó cứu vãn. Với những trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể thấy đau nhức mắt, nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, nhìn mờ. Ngoài ra, bệnh diễn biến âm thầm ở một số người, khi phát hiện thì lực đã giảm nghiêm trọng.

-5028-1666608647.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GKaVQvSXNkYMPXbTu1XB5g

Bệnh glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa thứ hai. Ảnh: Mayoclinic

Bác sĩ Tịnh cho hay đa số người mù do bệnh glôcôm đang sống ở các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sinh sống tại nông thôn và miền núi, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt. Một điều nguy hiểm với nhóm bệnh nhân này là một khi mắt đã mù lòa thì không có khả năng phục hồi.

"Phát hiện sớm, điều trị ngay từ đầu để hạn chế tiến triển của bệnh là hết sức quan trọng", ông Tịnh nói và thêm rằng bệnh glôcôm có thể điều trị bằng thuốc, laser, phẫu thuật kinh điển hoặc cải biên, phối hợp nhiều loại phẫu thuật.

Theo bác sĩ, các khám nghiệm sau đây sẽ được thực hiện để chẩn đoán bệnh:

- Thử thị lực

- Đo thị trường

- Khám mắt có giãn đồng tử: Nhờ thuốc giãn đồng tử, bác sĩ dùng các dụng cụ quang học có phóng đại để khám thị thần kinh, võng mạc và phát hiện bệnh lý khác nếu có. Phương pháp này có thể khiến bệnh nhân nhìn mờ trong vài giờ.

- Đo áp lực mắt (nhãn áp)

- Đo độ dày của giác mạc

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022