Bốn năm trước anh bị ngã xuống vực khi đi du lịch, vỡ bàng quang, gãy xương chậu, đứt niệu đạo (đường ống dẫn nước tiểu ra ngoài). Chịu đau đớn phẫu thuật nối niệu đạo nhiều lần ở nhiều bệnh viện vẫn không thành công, anh gần như bỏ cuộc, chấp nhận sống chung với ống thông và chiếc túi chứa nước tiểu bên người mọi lúc mọi nơi.

Bất tiện trong sinh hoạt, mặc cảm, tự ti vì không thể thoát được khỏi túi nước tiểu hôi khai, nguy cơ sức khỏe diễn tiến xấu, anh xin nghỉ việc. "Tôi nhiều lần tuyệt vọng từ chối tình cảm của bạn gái, không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình vì sợ cô ấy theo mình chịu khổ cả đời", anh chia sẻ. Không nản lòng, người bạn gái vẫn kiên trì ở bên cạnh, âm thầm động viên anh.

Năm 2015, Bệnh viện Bình Dân triển khai kỹ thuật mới trong mổ tạo hình điều trị đứt niệu đạo. Anh đến khám với suy nghĩ "còn nước còn tát", không dám đặt nhiều kỳ vọng. Trải qua ca mổ nhiều cam go kéo dài hơn 6 giờ, bác sĩ tạo hình niệu đạo thành công, giúp anh "mừng rơi nước mắt vì có thể đi tiểu trở lại như bình thường".

Hồi sinh sau những tháng ngày tưởng chừng không còn lối thoát, anh hào hứng trở lại công việc, đạt nhiều thành tựu, lập gia đình với người bạn gái đã đồng cam cộng khổ, sinh hai con. Sau 7 năm, sức khỏe của anh vẫn ổn định, không ghi nhận tái phát hẹp niệu đạo.

Bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng Đơn vị Niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân, cho biết đây là một trong những trường hợp đầu tiên bệnh viện phẫu thuật tạo hình niệu đạo thành công theo kỹ thuật được giáo sư hàng đầu về tạo hình niệu đạo Joel Gelman (Đại học UC Irvine, Mỹ) hỗ trợ chuyển giao. Đến nay, bệnh viện đã điều trị cho hơn 1.000 trường hợp hẹp niệu đạo, đứt niệu đạo, giúp mọi người trở về cuộc sống bình thường.

Hội ngộ khi tái khám mới đây, chàng trai 19 tuổi, ngụ huyện Củ Chi bày tỏ sự tri ân bác sĩ đã "tái sinh cuộc đời". Nam thanh niên trải qua quá trình điều trị gian nan ở nhiều bệnh viện sau lần tai nạn bị xe tải chèn qua người gây hàng loạt tổn thương nặng nề, ba năm trước. Tỉnh dậy trên giường bệnh, chàng trai không thể tự tiểu được do đứt niệu đạo. Giữ được tính mạng nhưng cậu phải học cách thích nghi với túi nước tiểu bên hông, đối mặt vô vàn bất tiện và khủng hoảng tâm lý, thấy "tương lai như đang khép lại".

Cuối năm ngoái, sau khi tìm đến Bệnh viện Bình Dân mổ nối niệu đạo, chàng trai không còn phải đeo túi nước tiểu, tự tin trở lại trường và vừa trở thành sinh viên đại học. "Tôi tưởng cuộc đời mình coi như xong, cho đến khi gặp được bác sĩ Hùng", chàng trai bày tỏ.

Trước đây, người bệnh hẹp niệu đạo được điều trị bằng cách mở bàng quang ra da, nong niệu đạo hay tạo hình niệu đạo từ một cho đến nhiều lần. Điều trị hẹp niệu đạo khi không được thực hiện đúng kỹ thuật tạo hình có thể hẹp tái phát khiến người bệnh phải phẫu thuật nhiều lần hoặc chịu cảnh đeo túi chứa nước tiểu suốt đời. Tại các nước không có chuyên gia tạo hình niệu đạo được đào tạo tốt, trang thiết bị chuyên dụng, tỷ lệ phẫu thuật thành công thường thấp hơn 16%.

"Giai đoạn đầu, bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong điều trị, phải chứng kiến bệnh nhân đến khám rất tội nghiệp, mang ống thông bàng quang, không đi làm được, nhiễm trùng nhiều. Khi biết tin giáo sư Gelman đến Việt Nam năm 2015, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội lớn và chủ động liên hệ", PGS. TS. BS Trần Vĩnh Hưng, giám đốc bệnh viện nói. Nơi này cử bác sĩ sang học tập hai đợt tại Mỹ, mỗi đợt 4 tháng. Năm nào, giáo sư Gelman cũng đến bệnh viện hai tuần để trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ, đồng thời thường xuyên tư vấn chuyên môn từ xa.

hinh-phau-thuat-1-1661356463-1-7096-7130-1661655680.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RL7W5tewfGDD4L_LULTzWg

Giáo sư Joel Gelman và bác sĩ Bệnh viện Bình Dân trong một ca mổ tạo hình niệu đạo. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hiện, tỷ lệ thành công của phẫu thuật tạo hình niệu đạo của Bệnh viện Bình Dân lên đến 98%. Theo giáo sư Gelman, tỷ lệ này cao hơn hẳn các các quốc gia trong khu vực và tương đương với kết quả của nhiều trung tâm lớn tại Mỹ. "Đây là một con số ấn tượng, nhiều nơi tại Mỹ cũng không đạt được", giáo sư Gelman nói. Thời gian qua, nhiều bác sĩ từ Australia, Malaysia, Indonesia... tìm đến Bệnh viện Bình Dân học tập kinh nghiệm để cải thiện kết quả điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện dự kiến sẽ xây dựng Khoa Phẫu thuật Tạo hình niệu đạo, trung tâm huấn luyện mang tầm khu vực để giúp thêm nhiều người bệnh có cơ hội được điều trị triệt để tình trạng hẹp niệu đạo, có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Niệu đạo là đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Ở nam giới, đây còn là đường dẫn tinh trùng. Hẹp niệu đạo có thể gây tiểu khó, tiểu gấp, tiểu đau, dòng nước tiểu yếu, lượng nước tiểu giảm, nước tiểu sậm màu hoặc máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo... Nguyên nhân thường gặp gây hẹp, đứt niệu đạo ở nước ta là do tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn xe máy, té ngồi trên mạn ghe thuyền, tai nạn lao động. Bệnh cũng có thể xuất phát từ các tai biến phẫu thuật liên quan tiết niệu, viêm nhiễm niệu đạo kéo dài điều trị không hiệu quả, người bất thường bẩm sinh...

Hẹp niệu đạo nếu không được điều trị sẽ diễn tiến đến tắc nghẽn hoàn toàn. Điều này có thể gây bí tiểu đột ngột rất nguy hiểm. Tắc nghẽn lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang và chức năng thận, diễn tiến đến nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, sỏi đường tiết niệu, suy thận và gây vô sinh ở nam giới vì không có đường thoát tinh dịch ra ngoài. Người bệnh nếu mang thông niệu đạo với túi nước tiểu bệnh hông sẽ gây ảnh hưởng cuộc sống, khả năng lao động, sinh hoạt, tâm lý.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022