GĐXH - Đối với người lớn và trẻ vị thành niên, ho gà không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng ho gà ở trẻ nhỏ lại có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Ho gà thường ít biến chứng ở lứa tuổi thiếu niên và người lớn. Tuy nhiên, ho gà lại có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và có thể có cả người lớn khi chưa có miễn dịch phòng bệnh.
Bệnh ho gà thường ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh bởi sức đề kháng còn yếu chưa đủ để chống lại bệnh. Bệnh thường gây ra tình trạng thiếu ôxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Vì vậy, việc xác định nguyên nhân gây ho để có hướng điều trị dứt điểm là việc hết sức quan trọng.
Ảnh minh họa
Ho gà: Cần làm gì để biết trẻ có mắc bệnh hay không
Bệnh ho gà ở trẻ giai đoạn đầu khó phân biệt với cảm cúm, cảm lạnh thông thường. Việc điều trị ở giai đoạn này có thể khỏi bệnh dứt điểm nhưng lại khó để chẩn đoán chính xác bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, các phương pháp chẩn đoán ho gà có thể kể đến như:
- Xét nghiệm ho gà: Xét nghiệm máu được chỉ định, nếu lượng bạch cầu trong máu cao (> 10g/L) báo hiệu có thể bạn đang có một tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn. Cùng với các triệu chứng khác hoặc chẩn đoán lâm sàng bác sĩ sẽ phát hiện bệnh ho gà cho trẻ.
- Xét nghiệm dịch: Dịch được lấy ở mũi hoặc họng trẻ, sau đó được phết lam kính và nhuộm soi trên kính hiển vi quang học. Bác sĩ sẽ quan sát sự có mặt hay không của hình ảnh của vi khuẩn.
- Chụp X - quang: Nhằm đánh giá tình trạng bệnh thông qua kiểm tra mức độ viêm và lượng dịch có trong phổi bệnh nhân.
Ngoài ra phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử PCR cho độ nhạy, độ đặc hiệu cao và thu về kết quả nhanh chóng sau 1 - 2 ngày.
Ảnh minh họa
Khi nào nên xét nghiệm ho gà?
Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên quan sát trẻ với các dấu hiệu bệnh, nếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần đi xét nghiệm ngay nếu ho kéo dài, ho rít và có con ngừng thở. Bởi nếu xét nghiệm sớm để tìm ra bệnh việc điều trị được kịp thời sẽ nhanh khỏi và tránh biến chứng nặng nề.
Cách chăm sóc trẻ mắc ho gà tại nhà
- Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ nếu có.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh tiếp xúc với môi trường khói thuốc lá, bụi, hóa chất.
- Với trẻ bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ bình thường. Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn: cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa.
- Vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰. Với trẻ lớn vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối.
- Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh.
Cách phòng bệnh ho gà ở trẻ nhỏ
Ảnh minh họa
- Tiêm phòng: Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90. Vaccine được tiêm cho trẻ nhỏ trong tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt.
- Cách ly người bệnh: Cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng.
- Nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện bệnh nhân ho gà đầu tiên trong năm 2023.