Mới đây, ở Quảng Bình, một nam sinh lớp 9 đã không qua khỏi sau khi tham gia chạy giải Hội khỏe Phù Đổng ở cự ly 200 m. Còn tại Hà Nội, một nam vận động viên 34 tuổi cũng bất ngờ ngã gục và ngừng tim khi chạy gần về đích.

Tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe

Nam vận động viên đã tử vong sau 3 ngày được cấp cứu và điều trị tích cực. Theo thông tin ban đầu, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp 4 năm và thường xuyên sử dụng thuốc điều trị. Liên tục những biến cố trên là lời cảnh báo cho những người yêu thích thể thao nên biết sức khỏe bản thân, đặc biệt là những người khi tham dự các giải chạy đường dài.

hinh-chot-24-4-17139667291031830180274-1714033312134-1714033312964827822022.jpg

Chăm sóc bệnh nhân do vận động gắng sức tại Bệnh viện E (Hà Nội) Ảnh: NGỌC DUNG

Trước đó, Bệnh viện E (Hà Nội) cũng cấp cứu một bệnh nhân 37 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi đang chạy bộ. Tại đây, bệnh nhân có biểu hiện kích thích vật vã, được đánh giá mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bác sĩ chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu toan chuyển hóa, suy thận cấp phải điều trị tích cực, lọc máu.

Bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện E, cho biết mỗi năm khoa tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Nguy hiểm hơn là tình trạng đột tử rất dễ xảy ra khi tập luyện, hoạt động gắng sức ở người trẻ, người có các bệnh nền mạn tính, nhất là bệnh lý về tim mạch. Trong khi phần lớn các bệnh tim mạch tiến triển âm thầm, đa số không triệu chứng cho đến khi gắng sức.

Theo ThS-BS Nguyễn Tuấn Long, Trung tâm Tim mạch - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đột quỵ ở vận động viên, người chơi thể thao xảy ra phổ biến nhất ở thời điểm trong hoặc sau khi tập luyện và thi đấu cường độ cao. Nguyên nhân chính là do bệnh cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim, tim bẩm sinh hoặc do sử dụng chất kích thích như doping. "Chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung luôn có lợi cho sức khỏe tổng thể và hệ tim mạch. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát nhịp tim khi tập dễ dẫn đến cơn đau tức ngực, loạn nhịp tim, thậm chí gây đột quỵ." - bác sĩ Long cảnh báo.

Biết lắng nghe cơ thể

Theo các bác sĩ, bất cứ ai khi tham gia hoạt động thể lực gắng sức đều có thể dẫn tới choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn. Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất. Với các trường hợp ngừng tuần hoàn, đột tử do tập luyện hay hoạt động gắng sức phần lớn có liên quan đến vấn đề tim mạch.

Bác sĩ Trần Song Giang, Trưởng Khoa C9, Phó trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết các tình huống đột tử khi chơi thể thao không hiếm gặp. Khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì họ không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.

Theo bác sĩ Giang, một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức là hội chứng rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim... Những người này có thể không có yếu tố khởi phát nhưng bất ngờ xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh. Bình thường tim đập 70 - 80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300 - 400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật chấn thương y học thể thao và chi trên, cho rằng vận động thường xuyên rất tốt cho sức khỏe nhưng phải lưu ý đúng cách, an toàn và người mắc bệnh tim mạch nên có sự hướng dẫn của bác sĩ. Cơ thể con người chỉ có ngưỡng nhất định, nếu vượt quá ngưỡng phải đòi hỏi có quá trình tập luyện và thích nghi lâu dài. Khi nhịp tim quá nhanh, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ dẫn tới suy tim cấp.

Bác sĩ Long cảnh báo nhiều trường hợp dù đã đi khám nhưng vẫn không phát hiện được bệnh do chưa gắng sức hoặc các dấu hiệu bệnh không rõ ràng. Người có yếu tố nguy cơ cao như gia đình có bệnh tim, mắc các bệnh đái tháo đường, thận mạn tính, tăng lipid máu... hoặc vận động viên chuyên nghiệp cần tham gia tầm soát chuyên sâu để tham gia các hoạt động thể thao an toàn. Nếu có bệnh sẽ được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo vận động viên tập luyện cường độ cao phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đánh giá chức năng tim... Với những người bình thường cần tập luyện phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, lắng nghe cơ thể mình trong quá trình tập luyện, trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Không sử dụng chất kích thích trước khi tập luyện hoặc khi đã uống bia rượu thì không nên tập thể dục, thể thao, bởi các chất kích thích làm tăng nguy cơ rối loạn dẫn truyền rất nguy hiểm.

Trong quá trình tập luyện cần bù nước, điện giải tốt bởi vì nhiều trường hợp đột tử cũng liên quan đến rối loạn điện giải, kali giảm hoặc tăng quá mức. Kali giảm gây yếu cơ, người mệt oải do mất mồ hôi, điện giải nếu giảm quá mức thì nguy cơ ngừng tim cao. "Khi tập thể lực, cần chú ý tới các dấu hiệu khó thở, tức ngực, khát nước liên tục dù đã uống nước, choáng, mệt cần dừng lại. Sau khi tập luyện, nếu có biểu hiện đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ thì cần nhanh chóng tới cơ sở y tế" - bác sĩ Phong lưu ý. 

Kiểm soát nhịp tim

Theo các chuyên gia, một số phương pháp giúp kiểm soát nhịp tim khi chạy bộ bao gồm: Sử dụng thiết bị - đồng hồ đo nhịp tim, kiểm soát hơi thở, tốc độ chạy. Nhịp tim của người trưởng thành, bình thường dao động trong mức 60-100 nhịp/phút. Khi chạy bộ, nhịp tim sẽ tăng cao hơn so với bình thường. Nhịp tim khi chạy bộ nên nằm trong khoảng 50%-75% so với nhịp tim tối đa theo độ tuổi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022