BS.CK1 Trương Thị Ngọc Phú, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trẻ vận động dưới nắng nóng trong thời gian kéo dài và không được bổ sung nước đầy đủ, dễ khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, dẫn đến mất nước, điện giải làm trẻ mệt mỏi, lừ đừ, dễ bị bệnh, thậm chí sốc nhiệt. Do đó, lưu ý tránh những thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày (khung giờ từ 10-14h).

Sau khi tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc do tình hình nắng nóng, trẻ ưa dùng các loại nước có đá hay thực phẩm lạnh như kem, nước ngọt, trà sữa... Các loại nước hay thực phẩm lạnh này có thể giúp trẻ cảm thấy được giải khát và ngon miệng trong thời gian ngắn. Khi đã thỏa mãn về cảm giác khát tức thời, trẻ không cảm thấy cần uống thêm nước, dẫn đến lượng nước thật sự cần để bổ sung cho trẻ bị thiếu hụt. Do đó, cần chú ý cung cấp đủ nước cho trẻ.

QUYN5330-1596-1710669102.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NJTEah2ekRX6R9zfSr2j3A

Phụ huynh nên cho trẻ hoạt động ngoài trời dưới 60 phút mỗi ngày. Ảnh: Quỳnh Trần

Phụ huynh cũng nên quan tâm đến vấn đề về da, dưỡng ẩm. Mùa nắng nóng, nên cho trẻ mặc quần áo mỏng nhẹ, chọn vải thông thoáng như cotton, tránh vận động quá mức ra nhiều mồ hôi. Cần dùng các loại sữa tắm, dầu gội dịu nhẹ để bảo vệ da của trẻ.

Khi hoạt động ngoài trời bên cạnh che chắn cho trẻ cẩn thận, cần thiết có thể bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Với các trẻ có bệnh lý chàm, viêm da cơ địa cần bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên với lượng ít và mỏng trên da để tránh gây bít tắc các lỗ chân lông.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022