Đó là đêm thay đổi cuộc đời bác sĩ Osman.

Hàng trăm người bị thương đổ về Trung tâm Y tế Đại học Beirut, một trong những bệnh viện tốt nhất tại Lebanon, cũng là nơi Osman thực hiện kỳ nội trú.

Anh cùng gần 100 nhân viên y tế khác vất vả xếp thứ tự ưu tiên, không gian điều trị cho những nạn nhân thuộc mọi lứa tuổi, quần áo tả tơi, người dính đầy máu. Từng dòng người bị thương liên tục đổ vào bệnh viện, do các cơ sở khác gần cảng Beirut đã bị đánh sập.

Ngay sau vụ nổ, Osman làm việc liên tục 52 tiếng, điều trị hơn 20 bệnh nhân, trong đó một người tử vong.

"Chưa có khoảnh khắc nào trong đời tôi cảm nhận rõ sự kết nối với những người xung quanh như vậy", Osman chia sẻ trên trang Twitter cá nhân sau khi kết thúc 52 giờ trực.

Những bác sĩ kỳ cựu từng làm việc trong cuộc nội chiến Lebanon cho biết chưa từng chứng kiến tình trạng tương tự. Chỉ trong 6 tiếng, Trung tâm Y tế Đại học Beirut sử dụng một nguồn cung thiết bị, vật tư cấp cứu tương đương số lượng cần trong 6 tháng. Đội ngũ y tế phải khâu vết thương dưới ánh đèn từ điện thoại do nguồn điện chính đã bị cắt.

Các cơ sở y tế tại Lebanon thuộc top chất lượng nhất khu vực. Chỉ trong một thời gian ngắn, khủng hoảng tài chính, Covid-19, vụ nổ Beirut lần lượt khiến các bệnh viện, phòng khám đứng trước bờ vực sụp đổ. Nguồn cung vật tư, thiết bị y tế thiếu thốn vốn ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính càng nghiêm trọng sau vụ nổ. Trong khi đó, nguồn cung thay thế không được vận chuyển tới kịp thời, gây khó khăn trong việc khám, chữa bệnh.

3eae06ffc576955dd093ca64d5e5bb-6845-5306-1600412318.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8KJWeMoIcxS4Lh6kGSKySA

Bác sĩ Bassam Osman, 27 tuổi, khoa ngoại, Trung tâm Y tế Đại học Beirut. Ảnh: AP

Kinh tế suy thoái, nhiều bác sĩ, y tá bị sa thải. Hàng tháng, Osman chỉ được nhận khoản lương 200 USD, giảm gần 7 lần mức ban đầu.

Số ca nhiễm nCoV cũng tăng mạnh sau vụ nổ. Theo Christina Bethke, điều phối viên về ứng phó khẩn cấp tại WHO, tình trạng quá tải bệnh viện, người dân mất nhà di cư là những nguyên nhân chính.

Không chỉ thiệt hại về người, vụ nổ còn khiến 8 bệnh viện, 20 trạm y tế bị hư hại cấu trúc. Hai bệnh viện gần như không hoạt động. Một bệnh viện được đánh giá không an toàn, phải phá bỏ hoàn toàn và xây dựng lại. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị san bằng.

Nhà kho chứa vật tư y tế chính của WHO tại Beirut, các trung tâm điều trị HIV và lao phổi bị hư hỏng. Một trung tâm cách ly bệnh nhân Covid-19, một tàu chở thiết bị bảo hộ bị phá hủy.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính chi phí tu sửa các cơ sở y tế bị ảnh hưởng sau vụ nổ có thể lên đến gần 30 triệu USD.

Trước đó, rất nhiều người dân vì ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính mà không đủ tiền chữa bệnh, không thể nhập viện.

"Tôi từng nghĩ đó là kịch bản tồi tệ nhất mình chứng kiến, nhưng đó là trước khi vụ nổ Beirut xé toạc bầu trời xảy ra", Osman kể.

"Mỗi ngày, những tiếng kêu khóc vang lên, trở thành một phần cuộc sống thường nhật", Osman nói. "Chúng tôi rất mệt mỏi... Cảm giác như đang tham gia một cuộc thi marathon dài. Những ngày khó khăn hơn còn ở phía trước".

Song, Osman cho biết chính sự hỗn loạn ấy giúp anh ý thức hơn về hai chữ trách nghiệm. "Dường như có có sự kết nối cảm xúc giữa bệnh nhân và bác sĩ rõ ràng hơn".

80c24fff202856d74ffb3181f7167c-8713-2207-1600412318.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WPIl-JjIrjw0Za4UPiI-2A

Bác sĩ Osman (phải) đang phẫu thuật cho bệnh nhân sau vụ nổ ở Beirut. Ảnh: AP

Osman nhớ lại một người phụ nữ xin anh lời khuyên về phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng xã hội. Vết thương trên người cô từ vụ nổ bị khâu một cách cẩu thả. Cô không biết Osman chính là người đã thực hiện những mũi khâu đó.

Osman thừa nhận đã khâu vết thương dưới đèn điện thoại, mời cô tới bệnh viện, trực tiếp xin lỗi. "Cảm ơn bác sĩ đã cứu sống và giúp tôi khỏe mạnh trở lại", cô gái viết trên Instagram sau buổi trò chuyện.

Một khác biệt khác, theo Osman, bệnh nhân cởi mở trò chuyện hơn với bác sĩ. "Họ kể về việc bị mất nhà, những gì xảy ra trong vụ nổ, không đủ tiền chữa trị. Họ cần giải tỏa gánh nặng cho bản thân", Osman chia sẻ.

"Mọi người tin tưởng bác sĩ chúng tôi. Không chỉ về mặt sức khỏe thể chất mà cả tinh thần. Tôi nghĩ tổn thương tinh thần nặng nề hơn nhiều tổn thương thể chất".

Anh cho biết luôn đón nhận những chia sẻ, suy tư của bệnh nhân. "Tôi ở đây không phải chỉ để hoàn thành công việc rồi về nhà".

Osman còn hai năm nữa trước khi kết thúc kỳ nội trú, sau đó lên kế hoạch làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Trước đây, anh luôn tự hỏi sau khi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì có nên trở về Lebanon làm việc hay không. Sau vụ nổ, anh đã có câu trả lời.

"Sau khi chứng kiến những tiềm năng để bác sĩ cống hiến tại một đất nước như Lebanon, tôi nhận ra tất cả những phân vân đó biến mất. Chắc chắn tôi sẽ quay lại đất nước này sau khi kết thúc kỳ thực tập sinh", bác sĩ trẻ nói.

Lê Hằng (Theo AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022