Ngày 27/5, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, yêu cầu như trên sau khi hậu kiểm về đăng ký bản công bố, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử này và phát hiện vi phạm.

Cụ thể, trên Lazada và Shopee, thực phẩm chức năng thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo và kinh doanh nhưng chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm gồm: Omega 3-6-9 1600 mg; Natto Kinase 4000fu; Estroven - Complete Multi - Sympton; Kirkland Glucosamine 1500 mg và Chondroitin 1200 mg; Glucosamine 1500mg With MSM 1500mg.

Theo quy định, để được lưu hành, các sản phẩm loại này phải có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố do Cục An toàn Thực phẩm cấp. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người sử dụng, sản xuất kinh doanh tuân thủ pháp luật, cơ quan trên yêu cầu Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada Việt Nam và Công ty TNHH Shopee rà soát lại giao dịch thực phẩm chức năng. Đồng thời, hai sàn ngừng ngay việc kinh doanh và gỡ bỏ thông tin về sản phẩm nêu trên, báo cáo Cục An toàn thực phẩm trước ngày 30/5.

"Chỉ kinh doanh thực phẩm chức năng đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc được công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm", Cục An toàn Thực phẩm lưu ý.

Shopee là sàn thương mại điện tử chiếm thị phần lớn nhất hiện nay tại Việt Nam. Còn Lazada cùng nhiều sàn thương mại điện tử khác chia nhau thị phần còn lại.

shopee-nattokinase1-1748325610-3791-1748325708.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5kzZ6Mqz6BL6wJbX-yO3kQ

Thực phẩm chức năng Natto Kinase 4000fu được quảng cáo bán trên sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh: Cục An toàn Thực phẩm cung cấp

Hồi đầu tháng 5 đến nay, cơ quan chức năng hậu kiểm, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee..., nhiều người nổi tiếng, TikToker, KOLs (Key Opinion Leaders), KOCs (Key Opinion Consumers) quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm, khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Trong năm 2024, Cục An toàn Thực phẩm xử phạt hơn 11 tỷ đồng đối với các đơn vị quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.

Bộ Y tế lập 15 tổ kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thuốc kê đơn, sữa... trên sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội TikTok, Zalo, Facebook, YouTube cũng như trên thị trường. Người dân được khuyến cáo chỉ mua thuốc của các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, thuốc có đầy đủ thông tin, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Tránh mua thuốc theo các thông tin không chính xác trên mạng xã hội.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022