"Đây là trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ, có nên mở ra cho thử, thí điểm? Mai sau không dừng lại được thì ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân", Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói tại phiên giải trình do Ủy ban Xã hội tổ chức về trách nhiệm quản lý nhà nước với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, sáng 4/5.
Khi trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Lan nhiều lần nhấn mạnh quan điểm "Bộ Y tế vẫn đề xuất cấm" và nhất quán từ trước đến nay. Thuốc lá điện tử, nung nóng là loại nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thế hệ trẻ. Việc này cũng phù hợp với nghị quyết của Đảng; căn cứ pháp lý, chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá mà Chính phủ đã ban hành và bài học kinh nghiệm quốc tế.
Bà Lan nói Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012 và thời điểm đó thuốc lá điện tử, nung nóng chưa phổ biến, nên luật chưa quy định. Bên cạnh đó, việc quản lý mặt hàng này cũng còn vướng mắc về khái niệm, quy chuẩn so với thuốc lá thông thường.
Trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm tương tự. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bảo đảm tính thống nhất.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu ngày 4/5. Ảnh: Media Quốc hội
Trong khi đó, Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng việc đề xuất thí điểm "nhằm quản lý tốt hơn" với công cụ là các văn bản, nghị định phù hợp. Mục tiêu vẫn là bảo đảm sức khỏe nhân dân. Do chưa có cơ chế rõ ràng nên quản lý thị trường, công an xử lý chưa đủ tính răn đe. "Đó là điều trăn trở chính, vì vậy đi vào quản lý để tốt hơn. Nếu thực hiện như hiện nay thì chế tài chưa rõ", bà Thắng nói.
Bà Thắng chia sẻ khi Bộ Công Thương xây dựng trình ban hành chính sách, Bộ Y tế không đồng ý. Chính phủ yêu cầu hai bộ ngồi lại thống nhất với nhau về quan điểm này, song "đến nay quan điểm của 2 bộ vẫn chưa thể thống nhất".
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cũng bày tỏ băn khoăn với đề xuất hợp pháp hóa thuốc lá điện tử. "Tại sao Bộ Công Thương đề xuất thế trong khi báo cáo nói các nước cho phép quản lý và hạn chế đều thất bại? Vì sao nội dung này không thống nhất và việc không thống nhất này ảnh hưởng thế nào đến việc quản lý sản phẩm rất độc hại này", ông Nghĩa chất vấn.
Tương tự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa lo ngại tác động xã hội, sức khỏe người dân trước đề xuất này. Theo bà, Bộ Công Thương cần có đánh giá đầy đủ giữa lợi ích về mặt kinh tế khi cho kinh doanh thuốc lá điện tử và tác hại về chi phí bỏ ra để chăm sóc sức khỏe, nhất là đối với nguồn nhân lực trẻ.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) đồng tình với việc không thí điểm quản lý thuốc lá điện tử bởi đây là "chất gây nghiện, gây ung thư". Tác hại của thuốc lá điện tử đã được nhận biết trên toàn thế giới và ông cho rằng mặt hàng này "không có một chút ưu điểm nào" để quản lý, sử dụng.
Theo Bộ Y tế, thuốc lá điện tử được vận hành bằng cách làm nóng dung dịch các chất chứa nicotine hoặc hương vị, thường hòa tan thành propylene glycol và/hoặc glycerine.Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, hóa chất. Do vậy, mặt hàng này không phải là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và không thuộc phạm vi điều chỉnh.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế với học sinh tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Nhóm 13-15 tuổi tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3%.
Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, sản phẩm thuốc lá mới gây nghiện do có chứa nicotine; các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính như tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Sơn Hà