PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tiêu chảy là bệnh phổ biến thứ hai ở trẻ nhỏ, sau nhiễm trùng hô hấp. Tác nhân gây bệnh thường gặp gồm vi khuẩn E.coli và virus, thường gặp nhất là Rotavirus, Norovius và các virus khác như adenovirus... Tuy nhiên, bệnh ảnh hưởng nặng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của em bé khi không điều trị đúng cách, kịp thời.

Hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực nhi khoa, bác sĩ gặp rất nhiều trẻ bị tiêu chảy, có trường hợp kéo dài trên hai tuần dẫn tới rối loạn hấp thu, suy dinh dưỡng. Trẻ thiếu toàn bộ chất dinh dưỡng, dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Đồng thời, suy dinh dưỡng dẫn tới nhiều bệnh khác, như nhiễm trùng hô hấp với viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai. Trẻ ốm, tiếp tục chán ăn và hấp thu kém, nuôi dưỡng kém, tiếp tục suy dinh dưỡng...

Một số trẻ gặp biến chứng tức thời như đi ngoài nhiều lần, mất nước. Nhóm trẻ béo phì thường trở nặng, sốc, nguy hiểm tính mạng. Lý do, bệnh nhi vẫn hồng hào, có vẻ khỏe mạnh, khiến gia đình khó nhận biết biểu hiện mất nước.

1267579-m-9519-1727778395.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yHFZVen1xG9bRrLGiPAfPg

Minh họa trẻ mắc tiêu chảy dẫn tới mệt mỏi, không vui chơi. Ảnh: PhotoAC

Theo PGS Dũng, bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ có thể cấp tính hoặc mạn tính. Dấu hiệu bệnh là trẻ đại tiện trên 3 lần/ngày, kèm theo đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, mất nước hoặc đi ngoài nhiều lần hơn và mệt nhiều hoặc lờ đờ, hôn mê... Phân lỏng, có thể lẫn dịch nhầy.

Phần lớn trẻ gặp biến chứng tiêu chảy do gia đình xử trí chưa đúng cách. Sai lầm phổ biến là gia đình sử dụng các thực phẩm chức năng dạng pha sẵn, dẫn tới không bù nước kịp thời cho trẻ. Một số điều trị tiêu chảy theo mẹo như sử dụng đơn thuốc cũ hoặc là chỉ cho trẻ uống berberin để cầm tiêu chảy. Việc dùng thuốc sai cách không giúp điều trị tiêu chảy, ngược lại khiến bệnh trở nặng.

PGS Dũng nhấn mạnh gia đình cần xử trí tiêu chảy đúng cách để tránh bệnh kéo dài, ảnh hưởng tính mạng trẻ. Bước đầu tiên, gia đình cho con uống ngay oresol được pha đúng tỷ lệ, nhằm bổ sung nước và điện giải cho trẻ.

Nếu bé chơi tỉnh táo ngoan ngoãn, gia đình không cần đưa đi khám, tiếp tục chăm sóc, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Trường hợp con mệt, nôn, sốt rất cao, tiểu ít hoặc phân có máu, tiếp tục đi ngoài hoặc đi ngoài hơn 10 lần một ngày, gia đình cho trẻ khám ngay để tránh nguy hiểm tính mạng.

Trong và sau thời gian tiêu chảy, trẻ có thể dùng men vi sinh để hỗ trợ cân bằng vi sinh đường ruột, chống tái nhiễm. Loại men này chứa sinh vật có ích, khi uống vào có thể cải thiện hệ vi sinh đường ruột, từ đó hỗ trợ trẻ hấp thu, hồi phục sức khỏe.

Ngoài ra, bác sĩ Dũng khuyến cáo tiêu chảy dễ lây lan hơn trong môi trường học sinh đông đúc, đặc biệt từ nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, không có thói quen vệ sinh, rửa tay, nhà vệ sinh thiếu xà phòng, nước sạch, các bề mặt tiếp xúc không được làm sạch thường xuyên... Do đó bác sĩ lưu ý gia đình, nhà trường giữ nhà vệ sinh sạch, có đủ nước rửa tay, xà phòng, khăn lau tay sạch hoặc giấy lau sau khi sử dụng.

Văn Hà

Với mong muốn trẻ em vùng cao có điều kiện đảm bảo sức khỏe để học tập, quỹ Hy vọng với sự đồng hành của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina tiếp tục thực hiện dự án Vệ sinh học đường tại Tam Đường (Lai Châu) và Mù Căng Chải (Yên Bái) năm 2024. Dự án đặt mục tiêu khánh thành 20 nhà vệ sinh đạt chuẩn đầu tháng 10, phục vụ gần 10.000 học sinh, giáo viên. Để chung tay cùng dự án, độc giả tìm hiểu tại đây.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022