Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sưng, đau bìu trái từ ba tháng trước, điều trị tại nhiều nơi với chẩn đoán viêm mào tinh hoàn. Ông uống nhiều loại kháng sinh, chống viêm, chỉ bớt từng đợt, không khỏi bệnh.

Hai tuần trước khi vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân bị tổn thương vùng bẹn bìu, vỡ mủ vùng bẹn. Bác sĩ chẩn đoán áp xe bẹn bìu trái do lao mào tinh hoàn, tinh hoàn trái.

Năm ngày sau phẫu thuật cắt bỏ tổ chức viêm hoại tử, bệnh nhân tiếp tục điều trị theo phác đồ chống lao.

Lao mào tinh hoàn là một dạng bệnh lao ngoài phổi ít gặp. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Bệnh thường phát triển chậm và khó chẩn đoán sớm; chẩn đoán muộn và chẩn đoán sai là phổ biến. Gần đây, do vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng thuốc chống lao và việc sử dụng rộng rãi glucocorticoid, tỷ lệ mắc bệnh lao sinh dục nam, bao gồm cả bệnh lao mào tinh hoàn, ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Bệnh lao mào tinh hoàn vẫn là một vấn đề sức khỏe quan trọng ở nhiều nước đang phát triển.

1-jpeg-1716104549-6337-1716104609.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DcKQTFjRt3dyr-OWka2hzA

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

ThS.BS Nghiêm Trung Hưng, khoa Nam học, Bệnh viện 108, cho biết hiện nay chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị theo phác đồ chống lao là chìa khóa để chữa bệnh lao ở hệ sinh sản nam giới. Tuy nhiên, do bệnh khởi phát muộn, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu cũng như thiếu các phương pháp chẩn đoán nhanh, nhạy nên bệnh thường bị chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán bị trì hoãn. Vì vậy, phẫu thuật kết hợp với kháng sinh chống lao là phương pháp điều trị hiệu quả đối với căn bệnh này.

Đặc điểm bệnh lý của bệnh lao mào tinh hoàn là sự phá hủy mô và xơ hóa trên diện rộng, cuối cùng dẫn đến phá hủy mào tinh hoàn cũng như các mô và cơ quan sinh dục xung quanh và các biến chứng như vô sinh và các ảnh hưởng nghiêm trọng khác đến chức năng hệ sinh sản nam giới.

Lao mào tinh hoàn là một bệnh lý ít gặp và gây nên khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Trường hợp viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn được điều trị nhiều lần bằng các nhóm kháng sinh phù hợp nhưng không khỏi, khả năng do lao. Người có triệu chứng trên nên khám tại các cơ sở chuyên khoa nam học.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022