Bộ trưởng Y tế Frank Vandenbroucke cho biết loại thuốc lá điện tử giá rẻ này đã trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe, dễ dàng tạo cho thanh thiếu niên thói quen hút thuốc và chứng nghiện nicotin.
"Thuốc lá điện tử dùng một lần là sản phẩm được thiết kế để thu hút người tiêu dùng mới. Nó chứa nicotin, khiến bạn bị nghiện và làm tổn hại đến sức khỏe", ông Vandenbroucke nói trong một cuộc phỏng vấn.
Do chỉ được dùng một lần, nhựa, pin và mạch điện của loại thuốc lá này có thể gây hại môi trường. Chúng tạo các chất thải hóa học nguy hiểm, tồn tại trong thời gian dài. Theo Bộ trưởng Vandenbroucke, trong thời gian tới, Bỉ chỉ nhắm đến việc cấm thuốc lá điện tử sử dụng một lần, bởi các loại tái sử dụng có thể là công cụ giúp mọi người bỏ thuốc lá nếu họ không tìm được cách nào khác.
Thuốc lá điện tử dùng một lần được bán tại một cửa hàng ở Brussels, Bỉ, ngày 12/12. Ảnh: AP
Australia đã cấm bán "vape" bên ngoài các hiệu thuốc vào đầu năm nay, là quốc gia có quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất thế giới đối với thuốc lá điện tử. Giờ đây, Bỉ đang dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) trong việc này. Vandenbroucke cho biết ông muốn 27 quốc gia thành viên trong khối cũng có các động thái thắt chặt tương tự.
"Chúng tôi kêu gọi Ủy ban Châu Âu đưa ra các sáng kiến mới để cập nhật, hiện đại hóa luật pháp về thuốc lá", ông nói.
Quyết định của Bỉ nhận được sự đồng thuận, ngay cả ở một số cửa hàng bán thuốc lá điện tử, đặc biệt là về vấn đề môi trường. "Khi thuốc lá hết, pin vẫn hoạt động, nhưng không có cách nào sạc lại nó để tái sử dụng. Hãy tưởng tượng mức độ ô nhiễm mà một điếu thuốc tạo ra", Steven Pomeranc, chủ cửa hàng Brussels Vapotheque, cho biết.
Lệnh cấm thường đồng nghĩa với tổn thất tài chính cho ngành công nghiệp, nhưng Pomeranc cho rằng nó sẽ không gây thiệt hại quá nhiều cho các đơn vị bán lẻ.
Chính phủ Anh cũng cấm thuốc lá điện tử dùng một lần từ tháng 6/2025 để bảo vệ môi trường và hạn chế giới trẻ hút thuốc.
Thục Linh (Theo AP)