Ông Trần Hiến Khóa, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau, cho biết như trên tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, chiều 11/7, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khám chữa bệnh sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT).
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau là bệnh viện mới xây dựng, hoạt động từ tháng 1/2022, có 100 giường bệnh, đầu tư gần 195 tỷ đồng. Đơn vị có 4 phòng chức năng và 7 chuyên khoa, 70 nhân viên y tế biên chế. Trong thời gian đại dịch Covid, bệnh viện được biến thành Dã chiến số 3, đến tháng 6/2022 thì chuyên điều trị bệnh nhân lao phổi, bệnh phổi, bệnh nhân hậu Covid-19.
Lượng bệnh nhân đến đây khám, điều trị rất ít. Năm 2022, bệnh viện điều trị nội trú hơn 2.300 người, ngọai trú hơn 6.500 người. 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện chỉ có 429 người nằm viện, ngoại trú hơn 2.000.
Lý giải việc không thu hút được bệnh nhân, ông Khóa cho rằng bệnh viện chuyên khoa hạng ba tuyến tỉnh (tuyến hai) nên theo quy định không được phân tuyến là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có BHYT. Vì thế, khi bệnh nhân muốn khám ngoại trú phải xin giấy chuyển viện từ bệnh viện tuyến huyện (hoặc phòng khám đa khoa). Trong khi đó, bệnh nhân chuyên khoa bệnh phổi, các cơ sở y tế khác ít chuyển đến nơi khác mà giữ lại điều trị.
Trả lời VnExpress, giám đốc viện cho biết nhiều bệnh nhân đến đăng ký khám nhưng không sử dụng được bảo hiểm y tế do không có giấy chuyển viện này. Từ giữa năm ngoái đến nay, đã có hai lần ông phải điện thoại trực tiếp đến lãnh đạo các cơ sở y tế tuyến huyện để xin chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Lao và Phổi.
"Tôi gọi điện khoảng 15, 16 người ở các huyện để nhờ họ quan tâm khi bệnh nhân khám, điều trị về chuyên khoa lao, phổi có nhu cầu thì chuyển viện đến đơn vị của tôi, nhưng không có hiệu quả", ông Khóa nói.
Ông Trần Hiến Khóa nêu khó khăn tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh,ngày 11/7. Ảnh: An Minh
Cũng theo bác sĩ Khóa, bệnh nhân đa phần là người nghèo nên việc thực hiện các dịch vụ tại đây rất khó khăn, thiếu tính khả thi, khó tạo nguồn thu. Tình trạng cũng khó khăn tương tự tại một số bệnh viện lao và phổi tỉnh bạn, tuy nhiên không có nơi nào nào gặp khó như ở Cà Mau, theo ông Khóa. Các tỉnh đảm bảo kinh phí lương, khoản phụ cấp, đóng góp theo lương theo biên chế được duyệt và kinh phí thực hiện chương trình chống lao.
Còn tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, bệnh nhân ít, kinh phí được giao đầu năm theo giường bệnh thấp (24 triệu đồng trên giường mỗi năm) nên đơn vị gặp nhiều khó khăn trong chi lương và các hoạt động. Bệnh viện đang nợ hơn 572 triệu đồng tiền lương tháng 12/2022 của nhân viên. Các dịch vụ để tăng thu nhập cho nhân viên bệnh viện như bãi giữ xe, căn tin... đã đấu thầu hai lần vẫn không có người tham gia.
Trước những khó khăn của bệnh viện, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng thành phố cần kiến nghị Trung ương sửa đổi, cho phép việc khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến hai (bệnh viện hạng ba chuyên khoa tuyến tỉnh).
"Bệnh nhân đến khám đúng chuyên khoa thì không cần phải có giấy chuyển viện BHYT của tuyến ba", ông Luân đề xuất, thêm rằng Sở Y tế và bảo hiểm xã hội cần ngồi lại với nhau để giải bài toán khám ngoại trú cho Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần xem xét Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là đơn vị có tính đặc thù để có cơ chế phân bổ kinh phí phù hợp, nhằm đảm bảo đơn vị hoạt động trong giai đoạn mới thành lập.
"Nếu có vấn đề bất cập thì đề xuất sửa đổi, cái gì có thể vận dụng thực hiện được mà không sai thì phải làm ngày, đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe chính đáng của người dân", ông Luân nói, cho biết trước mắt các đơn vị cần tính toán cụ thể các vướng mắc về kinh phí đề xuất Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xử lý, không để nợ lương người lao động
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau với quy mô 100 giường bệnh, vắng khách, ngày 11/7. Ảnh: An Minh
An Minh