Ngày 21/11, bác sĩ Phạm Tuấn Hùng, Khoa Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bé được chuyển từ Sơn La đến bệnh viện khi mới hai ngày tuổi, có đa khe hở mặt rất phức tạp và hiếm gặp.
Các bác sĩ hội chẩn các khoa Sọ mặt - Tạo hình, Mắt, Chẩn đoán hình ảnh để tìm phương án điều trị tối ưu, cố gắng bảo tồn chức năng mắt phải của bé, chụp X-quang, CT sọ mặt, dựng hình 3D đánh giá tình trạng.
Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, Trưởng Khoa Sọ mặt và Tạo hình, nhận định nếu không phẫu thuật sớm, bé sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, mắt của trẻ có nguy cơ tổn thương cao dẫn đến khô giác mạc, mù lòa.
Sau gần hai tuần được chăm sóc để tăng cường đề kháng và đảm bảo toàn trạng ổn định, bé đủ sức khỏe để phẫu thuật. Đây là em bé nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam được phẫu thuật tạo hình khe hở mặt phức tạp.
"Bệnh nhi còn quá nhỏ, tổ chức da và cơ rất mỏng manh lại bị thiếu rộng, nên ca phẫu thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác rất cao, cần có kế hoạch và chiến lược tạo hình phù hợp", bác sĩ Thơm nói.
Các bác sĩ Khoa Sọ mặt và Tạo hình đang thực hiện phẫu thuật tạo hình cho trẻ. Ảnh: Lê Hiếu
Sau ca mổ kéo dài gần 4 giờ, môi của bệnh nhi đã được tạo hình lại, trẻ đã có thể tự bú, ổ mắt được đưa về vị trí sinh lý bình thường, mi trên và dưới khép kín che phủ toàn bộ nhãn cầu, khắc phục tình trạng chảy tràn nước mắt. Các khe hở mặt được đóng kín tạo nên khuôn mặt cân đối, tình trạng dị hình được cải thiện đáng kể, nhưng chức năng mắt vẫn cần theo dõi và đánh giá thêm.
Bệnh nhi sẽ được các bác sĩ theo dõi sự phát triển của xương hàm mặt để can thiệp ghép xương, phẫu thuật khe hở vòm họng, mổ tạo hình điều chỉnh mũi về vị trí cân đối.
Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ khám thai theo định kỳ để kịp thời phát hiện các dị tật thai nhi, từ đó có phương án xử trí phù hợp. Như trường hợp trên, đến tháng thứ hai của thai kỳ, người mẹ bị cúm nhưng chủ quan không đi siêu âm. Đến tháng thứ 7, thai phụ siêu âm lần đầu tiên mới phát hiện con bị dị tật vùng mặt rất phức tạp.
"Một bên mặt biến dạng khiến con chưa từng được bú mẹ, phải ăn qua ống từ đường mũi vào dạ dày", người mẹ nói.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính sọ mặt của bé. Ảnh: Lê Hiếu
Lê Nga