Tháng 11, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) công bố thông tin trên và gọi đây là "sản phẩm thiền định và chánh niệm chính thức" của World Cup 2022, FIFA Women's World Cup 2023 và FIFAe Nations Cup 2023.
Ứng dụng này cung cấp các tài liệu về thiền định, chánh niệm, giúp cầu thủ cũng như người hâm mộ bóng đá "tìm được sự bình tâm" cả trong và sau trận đấu.
Nghiên cứu trước đó cho thấy tập thiền chánh niệm có thể cải thiện phong độ, điểm số của các vận động viên nói chung. Phân tích công bố trên Tạp chí Tâm lý Sức khỏe chỉ ra rằng ở những vận động viên tập thiền định, lượng cortisol (hormone gây căng thẳng) giảm đi. Thực hành chánh niệm liên tục cho phép cơ thể thư giãn, kiểm soát căng thẳng theo cách lành mạnh, tạo hướng tiếp cận tinh thần tích cực, chủ động với những khó khăn.
Bên cạnh đó, cộng đồng bóng đá, gồm 211 thành viên của FIFA, là đối tượng mục tiêu của hàng loạt hội thảo, sự kiện trực tuyến hướng dẫn thiền chánh niệm, khám phá tầm quan trọng của nó với sức khỏe vận động viên.
Trước đó, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), FIFA cũng phát động chiến dịch #ReachOut nhằm nâng cao nhận thức về các triệu chứng của bệnh tâm lý, khuyến khích cầu thủ và cả người hâm mộ bóng đá tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần, hành động mỗi ngày để có sức khỏe tốt hơn.
"Trầm cảm và lo âu ảnh hưởng đến ngày càng nhiều người trên thế giới, trong đó những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương nhất. Trò chuyện với gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề này", Chủ tịch FIFA, ông Gianni Infantino, cho biết.
Cầu thủ Neymar trong màu áo đội tuyển PSG. Ảnh: PSG
Vấn đề sức khỏe tinh thần của cầu thủ được chú trọng sau Giải Vô địch châu Âu (Euro), khi các cầu thủ Bukayo Saka, Jadon Sancho và Marcus Rashford trở thành mục tiêu bị bắt nạt trực tuyến hoặc phân biệt chủng tộc.
Theo Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới (FIFPRO), trong số các cầu thủ đang hoạt động, 23% cho biết bị rối loạn giấc ngủ, 9% bị trầm cảm và hơn 7% bị lo âu. Con số này tăng lên ở người đã nghỉ hưu, với 28% bị khó ngủ, 13% bị trầm cảm và 11% gặp tình trạng lo lắng.
Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là bạo lực mạng, áp lực từ huấn luyện viên, nhà tài trợ và giới truyền thông.
Cầu thủ và vận động viên nói chung dễ mắc bệnh tâm thần vì các lý do liên quan đến việc tham gia thi đấu chuyên nghiệp, thất bại trong thi đấu. Một số người lo lắng về tuổi tác, phong độ giảm sút, tập luyện quá sức hoặc chấn thương. Áp lực từ công chúng, phương tiện truyền thông, nhà tài trợ, huấn luyện viên và các đối thủ cũng có thể gây căng thẳng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, quan chức thể thao cần nhận thức vấn đề sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng thế nào đến vận động viên, đồng thời phát triển chính sách và quy trình cơ bản để hỗ trợ người bị ảnh hưởng.
"Sức khỏe tinh thần và thể chất là những yếu tố tồn tại song song, bình đẳng. Việc chăm sóc cả hai yếu tố này là không thể thiếu trong thi đấu nói chung. Là một cộng đồng thể thao, chúng ta cần tạo môi trường tốt hơn, chú trọng đến sức khỏe tinh thần của các cầu thủ", Andrew Massey, Giám đốc Y tế của FIFA, cho biết.
Thục Linh (Theo Doha News, FIFA)