Theo Bộ Y tế, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú hơn 117.000 (tăng 2%); các cơ sở y tế thực hiện hơn 13.000 ca phẫu thuật, trong đó phẫu thuật cấp cứu giảm 7,6%. Cả nước có hơn 13.000 ca đẻ, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tai nạn giao thông, các cơ sở y tế tiếp nhận gần 20.000 trường hợp, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. 105 ca tử vong, giảm 21% so với Tết năm ngoái.
Tính đến mùng 4 Tết, có 583 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, chất nổ, tăng 52%. Trong số này, 302 trường hợp phải nhập viện điều trị. Ngoài ra, 82 ca bị tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác, tăng 60 ca so với cùng năm ngoái, trong đó 5 trường hợp tử vong (tăng 3).
Đơn cử tại Bệnh viện Việt Đức, từ 30 đến mùng 4 Tết, các bác sĩ cấp cứu khoảng 500 bệnh nhân, trong đó 120 ca do tai nạn giao thông, một nửa bệnh nhân xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu. 22 trường hợp bị tai nạn liên quan đến pháo nổ.
Một bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, ngày mùng 4 Tết. Ảnh: N.Duyên
Tình hình dịch bệnh dịp Tết không có diễn biến bất thường, không ghi nhận các ca mắc Covid-19, sởi, đậu mùa khỉ; song xuất hiện hai ổ dịch sốt xuất huyết tại Tiền Giang. Hiện 6 địa phương đang có ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi gồm An Giang, TP HCM, Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, Cà Mau.
Một ca phát bệnh dại tử vong tại xã Tân Phú huyện Thới Bình, Cà Mau. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tổ chức điều tra, xử lý ổ bệnh dại này.
Cục An toàn Thực phẩm không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm đông người, song có một số ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ.
Lê Nga