Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cuộc sống, công việc và giải trí của con người. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, AI tác động sâu rộng và có tiềm năng cách mạng hóa nhiều quy trình truyền thống.
Việc ứng dụng AI trong tối ưu hóa các quy trình, hệ thống y tế giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả cho người dùng.
"AI giúp các bác sĩ tập trung vào những trường hợp phức tạp và cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán thông qua việc đánh dấu những vấn đề bất thường", tiến sĩ Christine Yuan Huang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty Quantum Life (Hong Kong), nhấn mạnh.
AI còn đóng vai trò quan trọng trong việc cá nhân hóa điều trị, nhắm đúng đối tượng, tăng khả năng hiệu quả và giảm tác dụng phụ. Bệnh nhân được hưởng lợi từ việc chẩn đoán nhanh và chính xác hơn, điều trị kịp thời, từ đó gia tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Bên cạnh đó, liệu pháp cá nhân hóa giúp bệnh nhân nhận được phác đồ phù hợp nhất, giảm bớt các thử nghiệm vô ích. Quy trình hành chính hợp lý giúp rút ngắn thời gian chờ, hạn chế sai sót hóa đơn và tổng thể cải thiện trải nghiệm.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số ứng dụng của AI trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Khuyến khích thói quen lành mạnh
CueZen, công ty có trụ sở tại Washington, đã phát triển công cụ AI có khả năng tích hợp dữ liệu từ thiết bị đeo, báo cáo tự khai và hồ sơ lâm sàng để đưa ra đánh giá sức khỏe mang tính cá nhân hóa cho người dùng. Công cụ này gửi các thông báo được thiết kế riêng nhằm thúc đẩy người dùng hình thành thói quen sống lành mạnh hơn. Ví dụ, người dùng có thể nhận được lời nhắc đi bộ hoặc tham gia thử thách thể chất nếu thiết bị đeo phát hiện họ đang vận động ở mức độ thấp. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai công nghệ này trên diện rộng và cung cấp miễn phí cho công dân.
Giảm thiểu tình trạng kiệt sức của nhân viên y tế
Tháng 12/2024, Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia Singapore đã ra mắt Missi - một "robot y tá" sử dụng công nghệ AI. Khoảng 30 robot được triển khai thử nghiệm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia. Các y tá đã phối hợp cùng nhóm phát triển để thiết kế Missi, một robot có thể đảm nhiệm các tác vụ lặp đi lặp lại như phát thuốc, hướng dẫn bệnh nhân và theo dõi chỉ số sức khỏe. Điều này giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế và cho phép họ tập trung vào những công việc đòi hỏi sự tương tác giữa con người với con người.

Cánh tay robot hỗ trợ bác sĩ massage trị liệu cho bệnh nhân. Ảnh: Pexel
Hỗ trợ tâm thần suốt ngày đêm
Woebot và Wysa là hai ứng dụng chatbot sử dụng AI, cung cấp liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và hỗ trợ cảm xúc cho người dùng. Dù không thay thế chuyên gia tâm lý, các công cụ này có thể hỗ trợ hiệu quả trong những trường hợp nhẹ hoặc ở nơi thiếu điều kiện tiếp cận dịch vụ chuyên môn.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, sau 8 tuần sử dụng chatbot trị liệu, nhiều người mắc rối loạn tâm thần cải thiện đáng kể triệu chứng. Hiệu quả mà họ ghi nhận gần tương đương với việc gặp trực tiếp nhà trị liệu. Điều này cho thấy AI có tiềm năng mở rộng khả năng tiếp cận hỗ trợ tâm lý chất lượng cao đến nhiều người hơn.
Hỗ trợ người dùng tự theo dõi và quản lý triệu chứng
Thay vì dựa vào các nguồn thông tin chưa kiểm chứng trên Internet, người dùng có thể sử dụng các ứng dụng như Ada và Buoy Health để hiểu rõ hơn về triệu chứng của mình và biết khi nào cần đến bệnh viện. Ngoài ra, Hormony, ứng dụng AI từ Prelude Health tại Singapore hỗ trợ phụ nữ tiền mãn kinh theo dõi nồng độ hormone bằng xét nghiệm nước bọt tại nhà.
Công cụ này kết hợp với AI để đưa ra phân tích và khuyến nghị cá nhân hóa, giúp người dùng quản lý hiệu quả các triệu chứng như thay đổi tâm trạng, giảm ham muốn tình dục hay đổ mồ hôi đêm.
Nâng cao khả năng chẩn đoán bệnh
Một nghiên cứu tại Đức với sự tham gia của gần 500.000 phụ nữ đã chỉ ra rằng việc tích hợp AI trong sàng lọc ung thư vú giúp phát hiện thêm một ca bệnh trên mỗi 1.000 người được kiểm tra. Việc sử dụng AI để phân tích hình ảnh nhũ ảnh giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, đồng thời không làm tăng nguy cơ tổn thương hay sai lệch kết quả đối với bệnh nhân.
Giáo sư Alexander Katalinic, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết phương pháp này vừa tăng hiệu quả phát hiện bệnh, vừa giảm áp lực cho bác sĩ X-quang.
Giảm thiểu rủi ro khi sử dụng AI
Bên cạnh những tiềm năng đầy hứa hẹn, AI trong y tế cũng đặt ra nhiều rủi ro như xâm phạm quyền riêng tư, lỗi bảo mật, thiếu kiểm soát hay sai sót trong chẩn đoán và điều trị. Việc sử dụng AI một cách trách nhiệm yêu cầu hệ thống bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt, các mô hình AI minh bạch và khung pháp lý rõ ràng.
Các chuyên gia trong ngành y tế nhấn mạnh, AI chỉ nên được xem là công cụ hỗ trợ, không phải sự thay thế cho nhân viên y tế. Quyết định sau cùng vẫn phải do con người đảm nhận. Việc giám sát liên tục, kiểm tra tính thiên vị của mô hình AI, và sự can thiệp kịp thời từ phía con người sẽ quyết định AI mang lại giá trị gia tăng hay nguy cơ cho bệnh nhân.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia, tổ chức y tế và doanh nghiệp đầu tư mạnh vào AI, việc xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức, hành lang pháp lý và quy trình giám sát sẽ đóng vai trò then chốt. Chỉ khi được sử dụng đúng mực và có trách nhiệm, AI mới thực sự trở thành trụ cột trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tương lai.
Thục Linh (Theo Luminews)