Ngày 22-3, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u bít tắc khí quản cho bệnh nhân N.N.T (17 tuổi, ngụ Bình Thuận).
Theo đó, khai thác bệnh sử, 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp như ho, khạc đờm, khó thở và điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng các triệu chứng không giảm, sau đó tiến triển nặng và suy hô hấp.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu. Tại đây, qua thăm khám, xét nghiệm kết quả ghi nhận người bệnh có khối u kích thước 3x2cm, gây chít hẹp khí quản, suy hô hấp nguy kịch. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy và điều trị hồi sức tích cực.
Khối u bít tắc khí quản qua hình ảnh nội soi (trái) và sau cắt đốt (phải). (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
TS-BS. Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175, cho biết: "Thông thường, các khối u lớn khí, phế quản sẽ được phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, đây là phương pháp can thiệp xâm lấn lớn và có thể để lại di chứng cho bệnh nhân. Do bệnh nhân là một phụ nữ trẻ và khối u lành tính nên chúng tôi quyết định can thiệp cắt đốt qua nội soi phế quản ống mềm để hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương đường thở cho người bệnh. Bệnh nhân được hội chẩn và chỉ định thực hiện kỹ thuật cắt u nội khí quản bằng điện cao tần qua nội soi phế quản ống mềm dưới gây mê tĩnh mạch".
Sau 60 phút can thiệp, khối u được loại bỏ hoàn toàn. Sau đó, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, giảm viêm bằng corticoid. 5 ngày sau bệnh nhân được cai thở máy, đóng lỗ mở khí quản và xuất viện 10 ngày sau cắt đốt.
Người thứ hai được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối: Phương pháp ghép phổi đột phá đem lại hi vọng cho nhiều bệnh nhânĐọc ngay
Hiện bệnh nhân hết khó thở, hoạt động thể lực bình thường và có thể tham gia học tập, sinh hoạt như trước đây. Đồng thời, sau tái khám, bác sĩ ghi nhận chỉ có một vết sẹo nhỏ, phẳng ở niêm mạc phế quản nhẹ tại vị trí cắt bỏ và không có biểu hiện tái phát của khối u.
Theo TS Nguyễn Hải Công, đây là 1 trường hợp rất hiếm gặp và đã được điều trị thành công. Các khối u khí quản lành tính thường hiếm gặp và ước tính chỉ khoảng dưới 2% trên tổng tất cả các loại tổn thương đường thở. Việc chẩn đoán sớm thường khó khăn do các triệu chứng mờ nhạt và thường bị bỏ qua. Các tổn thương này thường là các u nhỏ ở khí, phế quản và rất hiếm khi gặp các khối u lớn gây bít tắc đường thở.
"Polyp biểu mô dạng sợi là một loại khối u lành tính phổ biến ở da hoặc màng nhầy của đường sinh dục, nhưng rất hiếm gặp ở khí quản. Chúng có thể đơn độc hoặc nhiều và kích thước của chúng thường không vượt quá 5 mm" – TS Công nói thêm.