Ngày 27/5, ThS.BS Trần Thị Bích Kim, Phó Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi được đặt nội khí quản chuyển từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến TP HCM trong đêm trong tình trạng hôn mê, nhiều vết thương vùng đầu, mặt, ngực và bụng.

Hình ảnh từ camera của gia đình cho thấy bé trèo lên cửa cuốn để chơi lúc cửa đang mở lên. Ảnh chụp màn hình
Đánh giá nguy cơ tổn thương não do thiếu oxy, các bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp hạ thân nhiệt chủ động, giúp bảo vệ não bộ trong giai đoạn nguy kịch. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bé cai máy thở thành công, tỉnh táo và có thể trả lời chính xác tên tuổi, thực hiện y lệnh từ bác sĩ.
"Đây là một dấu hiệu phục hồi đáng mừng sau tai nạn nghiêm trọng", bác sĩ nói.
Gia đình cho biết bé thường xuyên đu cửa cuốn lúc cửa đang mở để chơi, dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Tối 22/5, trong lúc mẹ đang chăm em nhỏ trong nhà, chị gái của bé mở cửa cuốn để chạy xe điện ra ngoài thì bé lại thực hiện hành động này. Khoảng hai phút sau, chị gái quay về, phát hiện bé đã bị cuốn toàn thân vào trong.

Bệnh nhi được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Năm ngoái, bé trai 7 tuổi ở Phú Thọ cũng bị cửa cuốn trong nhà kẹp vào cổ dẫn đến ngừng tim ngừng thở, bác sĩ nhận cuộc gọi từ gia đình đã có mặt kịp thời ép tim thổi ngạt cứu sống.
Theo bác sĩ Kim, đây là tai nạn có thể phòng tránh được nếu phụ huynh cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn và sử dụng cửa cuốn, đồng thời giáo dục trẻ về nguy cơ khi chơi gần thiết bị này. Gia đình nên ưu tiên chọn loại có cảm biến an toàn hoặc chức năng đảo chiều khi gặp vật cản, đặt nút điều khiển ở vị trí cao, ngoài tầm với của trẻ. Trang bị nút tắt khẩn cấp để xử lý nhanh khi gặp sự cố.
Giáo dục trẻ tuyệt đối không để trẻ chơi gần cửa cuốn, đặc biệt khi cửa đang vận hành. Dạy trẻ biết rằng cửa cuốn không phải đồ chơi, không leo trèo hoặc đu bám lên cửa. Quan sát mỗi khi cửa đóng hoặc mở hoàn toàn để đảm bảo an toàn.
Lê Phương