Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), từ ngày 16/5 đến ngày 23/5, thành phố ghi nhận 155 trường hợp mắc Covid-19.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 192 trường hợp mắc Covid-19, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024. Theo CDC Hà Nội, số ca mắc có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây, tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, đơn vị đang triển khai một số biện pháp như tăng cường giám sát tại cộng đồng, giám sát tại bệnh viện và giám sát tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Tất cả các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh hoặc mắc bệnh tại cửa khẩu sẽ được giám sát kịp thời. Tại cộng đồng khi người dân có nguy cơ lây nhiễm hoặc nghi ngờ mắc cũng được giám sát và báo cáo kịp thời.

Covid-19 ở Hà Nội vẫn đang được kiểm soát tốt - Ảnh minh hoạ: CDC Hà Nội
Ông Tuấn thông tin, Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt. “Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan về bệnh này, bởi chúng ta biết sự lây lan của Covid-19 trước đây rất nhanh, nếu như chúng ta không có biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời thì nguy cơ cũng rất lớn.”, ông Tuấn khẳng định.
Người đàn ông 27 tuổi bị loãng xương nghiêm trọng như cụ già 70, tất cả là do 4 thói quen xấu: Nhiều người trẻ thường xuyên làm 2 điều
Vì vậy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng mỗi người dân không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang, cần phải nâng cao ý thức, thực hiện tốt công tác chủ động phòng bệnh như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên xe bus, nơi đông người, tại cơ sở y tế...
“Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay…; tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ.
Covid-19 chủng mới ở TP HCM lan nhanh, chưa rõ mức độ nguy hiểm
Trong diễn biến có liên quan, tối 25/5, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng mới NB.1.8.1 với tỷ lệ chiếm ưu thế. Cụ thể, chủng mới NB.1.8.1 đã được phát hiện trong 83% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhập viện điều trị trong tuần thứ 3 của tháng 5/2025.
Đây là biến chủng được công bố lần đầu tiên vào đầu năm 2025, đến nay NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia, NB.1.8.1 là một biến thể phụ của dòng XDV.1 được hình thành từ sự tái tổ hợp gen giữa hai biến chủng JN.1 và XDE. Biến chủng này lần đầu được ghi nhận vào đầu năm 2025 và đến nay đã xuất hiện tại ít nhất 22 quốc gia trên thế giới, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều quốc gia khác ở châu Âu và châu Á.

Chủng mới của Covid-19 đã xuất hiện ở 22 quốc gia
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa xếp NB.1.8.1 vào nhóm biến chủng nào trong 3 nhóm nguy cơ (VUM - biến chủng cần được theo dõi, VOI - biến chủng cần quan tâm và VOC - biến chủng quan ngại), và chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy biến chủng này có khả năng lây lan nhanh hơn hay gây bệnh nặng hơn so với các chủng trước đây.
Tại TP.Hồ Chí Minh số ca COVID-19 được ghi nhận có xu hướng gia tăng từ tuần 16 đến tuần 20/2025. Trong tuần 20 (12–18/5), Thành phố ghi nhận 26 ca, tăng gần gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó (10 ca/tuần). Tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã có 79 ca COVID-19 được báo cáo, trong đó không ghi nhận trường hợp nặng phải hỗ trợ hô hấp.
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh COVID-19 tại Thành phố trong những tuần gần đây, tương tự như ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Đây là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến chủng mới.