Ngày nay, thế hệ Gen Z là những thành phần chính của thị trường lao động nước ta với nhiều kỳ vọng. Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, giới trẻ không chỉ hướng tới việc học tập làm việc với môi trường ổn định, mà họ còn mong muốn đạt được nhiều thành công hơn. Từ đó, áp lực công việc, học tập khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng phải làm quá sức, kèm theo đó là một số thói quen sinh hoạt thiếu khoa học làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Xu hướng bệnh tật trẻ hoá
Mô hình bệnh tật ở nước ta thay đổi, trong đó bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 73% số trường hợp tử vong. Đặc biệt, nhiều căn bệnh trước đây chỉ gặp ở người cao tuổi thì nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Trước đây, các bệnh lý mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường chỉ gặp ở người cao tuổi, nhưng hiện nay gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, có thể chưa đến 40 và nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở tuổi dưới 30. Đối với bệnh tăng huyết áp cũng vậy, hiện rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 30 - 35 mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch và thậm chí không ít trong số đó tử vong do nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, thì ung thư cũng có xu hướng trẻ hoá ở nước ta. Một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu, cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020, tỉ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.
Những thói quen thiếu khoa học trong lối sống của giới trẻ
Chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống không hợp lý có tác động có hại đến sức khỏe chúng ta, đặc biệt là thói quen sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản. Do sự tiện lợi, tiết kiệm, dễ ăn, … mà thực phẩm chế biến sẵn ngày càng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thực phẩm này thường xuyên sẽ gây nhiều tác hại cho sức khỏe con người như: tăng nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh thận, béo phì, tiểu đường, tăng nguy cơ ung thư,...
Người trẻ, dân văn phòng thường ưa chuộng các loại thực phẩm chế biến sẵn nhưng không biết đến tác hại của chúng đối với sức khỏe.
Lối sống ít vận động
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn. Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10.000 bước.
Ngủ ngày, “cày” đêm
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người nói chung. Tuy nhiên, thức khuya đã trở thành thói quen của phần lớn giới trẻ, nhất là giới trẻ sinh sống và học tập tại các thành thị, đến mức nhiều bạn còn cho rằng, thức khuya “đã ăn vào máu”, khó mà thay đổi được. Việc thức đêm ngủ ngày làm cho cơ thể bị rối loạn, ảnh hưởng đến công việc, làm việc kém tập trung, hiệu quả kém. Đồng thời, thói quen xấu này có thể khiến các bạn mắc phải rất nhiều căn bệnh nguy hiểm đến sức khỏe như: tăng cân, tiểu đường, bệnh tim, thậm chí dẫn đến đột quỵ.
Thời gian biểu thiếu khoa học
Xã hội càng phát triển, thời gian biểu của người trẻ càng thưa hơn khi chủ yếu là ăn, ngủ, làm việc và… nhậu. Những hoạt động vui chơi giải trí đều diễn ra tại chỗ và bằng các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh. Đó cũng là lý do mà các quán nhậu luôn kín chỗ, trong khi công viên, các nhà văn hóa lại thưa bóng người trẻ vì nhiều lý do.
Mới đây, cuộc khảo sát giới trẻ tại công sở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của một tập đoàn dinh dưỡng toàn cầu cho thấy, Việt Nam là một trong số những nước có tỷ lệ người trẻ lười vận động nhất. Có tới 7/10 người trẻ là dân văn phòng dành không đến 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Chính lối sống thiếu lành mạnh đã khiến giới trẻ Việt Nam ngày càng ù lì, béo phì.
Những nguyên nhân góp phần khiến bệnh tật trẻ hóa như: lối sống, ăn uống, lười vận động, nghiện rượu, thuốc lá… đều có thể thay đổi được. Do đó, ngay từ bây giờ, mọi người hãy từ bỏ những thói quen gây hại, đặc biệt chú trọng việc vận động hằng ngày; bởi nếu không tập thể dục - thể thao là chúng ta đang tự giết mình. Ngoài ra, cần có thái độ tích cực trong công việc, tránh làm việc quá sức, học cách thư giãn và quản lý, đối phó với stress.