Sự việc xảy ra ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định mới đây, được camera phòng cấp cứu ghi lại. Người xông vào phòng cấp cứu liên tục buông lời tục tĩu, mắng chửi các y bác sĩ vì đã để người nhà họ "chờ mấy tiếng không thăm khám", yêu cầu phải cắt cử người trông coi, chăm sóc bệnh nhân 24/24.

Trong khi đó, theo y bác sĩ tham gia kíp trực hôm ấy, thời gian từ lúc bệnh nhân này vào viện đến khi hoàn thành việc cho thuốc, xét nghiệm máu, chụp phim, chuyển bó bột cố định vai và mời bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình khám, chỉ 24 phút.

Nhận thấy người xông vào có xu hướng hành hung, kíp trực nhấn chuông báo động Code Grey, đội bảo vệ có mặt ngay. Tuy nhiên, người này bất chấp sự can ngăn vẫn tiến đến hành hung nhân viên y tế. Khi công an vào viện làm việc, mọi người mới biết đây là em vợ bệnh nhân.

Cùng ngày, chỉ một lát sau sự vụ gây rối trên, một nhóm khoảng hơn chục người xông vào phòng cấp cứu la hét "chúng mày giao người ra đây, chúng mày làm cái gì mà giấu bệnh nhân". Các bác sĩ hỏi mới biết người được tìm là một bệnh nhân nam vào cấp cứu 18 giờ trước vì say rượu, nôn ói. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết bệnh nhân này đã tự ý rời khỏi viện khi vừa chích thuốc xong và đề nghị họ "báo công an làm việc, truy xuất camera". Nhóm người này vẫn dọa nạt, ngăn cản không cho ê kíp cấp cứu những bệnh nhân khác.

Thời điểm đó, các y bác sĩ đang gấp rút xử trí 5 ca đột quỵ cấp, một bệnh nhân ngưng tim ngưng thở. "Sự náo loạn này đã khiến bệnh nhân đột quỵ bị ảnh hưởng thời gian vàng cấp cứu", bác sĩ ca trực cấp cứu hôm đó chia sẻ.

Cuối tháng 7, cũng tại khoa cấp cứu bệnh viện này, một bác sĩ bị người nhà bệnh nhi bóp cổ vì cho rằng chậm cấp cứu con gái của anh ta. Trong khi đó, bé gái bị hóc xương cá, vào viện kiểm tra sinh hiệu bình thường, không khó thở, không la khóc, nhân viên y tế dặn bé ngồi chờ khoảng 10 phút để bác sĩ tai mũi họng đến nội soi gắp xương.

Không chỉ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, theo các bác sĩ, bị thân nhân người bệnh bạo hành là tình trạng nhân viên y tế khoa cấp cứu nhiều bệnh viện đang phải đối mặt hàng ngày. Đây là khoa được xem như nguy hiểm nhất bệnh viện, do đặc thù tiếp nhận bệnh nhân để xử lý ban đầu nên tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều đối tượng và rất nhiều tình huống bất ngờ.

Bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu, cho biết y bác sĩ tại đây thường xuyên bị bạo hành bằng lời nói, "hầu như ngày nào cũng có". Một số nhân viên y tế còn bị bạo hành thân thể; có người nhà bệnh nhân đột nhiên xông vào phòng cấp cứu cầm dao rượt bác sĩ dọa giết. "Nhiều bác sĩ sau khi bị bạo hành thì chuyển nghề hoặc xin chuyển khoa khác, không làm công tác cấp cứu nữa", bác sĩ Lam nói. Ông không cho biết bao nhiêu bác sĩ đã chuyển việc sau khi bị bạo hành.

Gần 30 năm làm việc trong chuyên ngành cấp cứu, bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, nhìn nhận y bác sĩ bị mắng chửi "nhiều như cơm bữa", tình huống bị đánh thì hiếm hơn. "Khoảng 85% bệnh nhân vào viện cấp cứu rất hợp tác với y bác sĩ, trong khi đó một số người lớn tiếng một cách vô lý, nếu không được đáp ứng yêu cầu thì nạt nộ, gọi điện thoại liên hệ khắp nơi. Không ít người rất 'hổ báo', bác sĩ chưa kịp nói gì đã lao vào động tay động chân", bác sĩ Phát cho hay.

Khảo sát của Bộ Y tế, những năm gần đây không tháng nào không xảy ra các vụ bạo hành y bác sĩ, từ nhẹ đến nặng, tại bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Tình trạng trộm cắp, cò mồi, người say rượu, sử dụng ma túy, ngáo đá... phá rối trong bệnh viện cũng khá thường xuyên. Từ năm 2010 đến 2017, cả nước ghi nhận 26 vụ phá rối nghiêm trọng trong bệnh viện. Bộ Y tế ghi nhận hầu hết vụ bạo hành thầy thuốc xảy ra ở cơ sở y tế tuyến tỉnh, 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng, thậm chí có bác sĩ thương tật suốt đời, mất mạng.

Tình trạng này cũng xảy ra trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nạn bạo hành y bác sĩ chủ yếu do bệnh nhân cùng người nhà gây ra. Tại Mỹ, 80% điều dưỡng khi được khảo sát vào năm 2014 cho biết đã bị bạo hành dưới dạng đấm, đá, cào, cắn, phun nước miếng, đe dọa và quấy rối. Hiệp hội Y khoa Ấn Độ ghi nhận trong hơn một năm qua xảy ra khoảng 400 vụ bạo hành bác sĩ và đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Bac-si-cap-cuu-115-jpeg-5193-1659432266.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=63eINyQnLryMnZtnIwIdhA

Bệnh nhân đông đúc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng cho rằng khoa cấp cứu là nơi "đầu sóng ngọn gió" của bệnh viện nên trong quá trình tiếp nhận, điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực. Ngành y tế thành phố đã cố gắng cải cách thủ tục hành chính, xây dựng rất nhiều kênh lắng nghe ý kiến, đóng góp của người dân, người bệnh cũng như nhân viên y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trong các cơ sở y tế, đặc biệt là đơn vị công lập.

"Người dân vào bệnh viện cần giữ môi trường điều trị an toàn, tin tưởng vào người thầy thuốc để nhân viên y tế an tâm công tác, người bệnh được an toàn chăm lo sức khỏe", ông Dũng chia sẻ.

Nguyên nhân bạo hành sau đó được người nhà bệnh nhân giải thích là chưa hiểu quy trình cấp cứu, sốt ruột cho tình trạng người thân, cảm thấy bác sĩ chậm trễ, không tích cực, làm việc không tốt... Nhiều trường hợp gây rối là bệnh nhân, thân nhân sử dụng rượu bia, chất kích thích, hoặc côn đồ vào viện.

Về phía nhân viên y tế, lãnh đạo các bệnh viện ghi nhận một số người chưa khéo léo khi giao tiếp với bệnh nhân; xử lý tình huống hay giải thích chưa thấu đáo trong bối cảnh bệnh viện quá tải, môi trường làm việc khắc nghiệt, căng thẳng và áp lực về thời gian.

"Nạn bạo hành còn liên quan vấn đề văn hóa. Việc ứng xử bạo lực như trở thành một thói quen của một số người Việt, chẳng hạn khi ra đường chỉ cần va quẹt xe cũng có thể dẫn đến đâm chém nhau", bác sĩ Phát chia sẻ.

Dù lý do gì, bác sĩ Lam cho rằng đánh chửi người khác là sai. Ông nói: "Nếu người bệnh hay thân nhân không bằng lòng với hành vi của y bác sĩ có thể gọi đường dây nóng, nhờ lãnh đạo bệnh viện can thiệp, báo công an xử lý, thậm chí kiện ra tòa" và nói thêm "không thể chấp nhận được khi không vừa ý thì chửi bới, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa, tổn thương cơ thể người khác, làm ảnh hưởng việc điều trị những bệnh nhân đang cần cấp cứu".

Những năm qua, các bệnh viện triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nạn bạo hành nhân viên y tế, song tình trạng vẫn chưa cải thiện đáng kể. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết từ bốn năm trước viện đã triển khai Quy trình phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh trật tự - Code Grey. Danh sách số điện thoại của các nhân viên liên quan được nhập vào phần mềm, khi có tình huống mất an ninh trật tự, y bác sĩ nhấn nút báo động, hệ thống tự động sẽ trực tiếp gọi lực lượng an ninh, đồng thời nhờ liên lạc công an khu vực. Quy trình này đến nay đã được nhân rộng ở nhiều cơ sở y tế khác, giúp xử trí kịp thời những trường hợp gây rối, sử dụng hung khí đe dọa, hành hung y bác sĩ.

Bên cạnh ứng dụng hệ thống này, Bệnh viện Lê Văn Thịnh còn có giải pháp chia nhóm mức độ cấp cứu qua màu sắc trên vòng đeo tay của bệnh nhân, giải thích cho người nhà hiểu. Trong đó, vòng màu đỏ là bệnh nhân nguy kịch, cần xử lý cấp cứu trong vòng 5 phút; màu vàng thể hiện mức độ trung bình, xử lý trong 5-30 phút; vòng màu trắng và xanh có thể trì hoãn, xử lý sau cùng. Người thân có khu vực ngồi chờ riêng, nhìn vòng tay là có thể biết được tình trạng bệnh nhân.

"Khi phải vào bệnh viện, ai cũng luôn có tâm lý muốn được cấp cứu trước, xử trí nhanh; song bác sĩ cấp cứu phải theo mức độ ưu tiên tình trạng bệnh nhân chứ không phải như mua hàng, không phải ai đến trước sẽ được làm trước", bác sĩ Lam chia sẻ.

Ngoài ra, hiện nay tại nhiều bệnh viện, các y bác sĩ học võ để phòng thân, bên cạnh rèn luyện sức khỏe để thực hiện tốt công tác chuyên môn cứu người. Hầu hết bệnh viện đã trang bị hệ thống camera ghi âm, ghi hình, giúp bảo vệ y bác sĩ khi cần truy xuất lại sự việc.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết lãnh đạo viện thường xuyên nhắc nhở, chia sẻ kinh nghiệm với các y bác sĩ về cách giao tiếp, thái độ ứng xử với bệnh nhân, phải hiểu tâm trạng người nhà để đáp ứng kịp thời nhu cầu, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra xung đột. "Kỹ năng giao tiếp rất quan trọng, y bác sĩ phải giới hạn thời gian người nhà bệnh nhân chờ đợi tin tức người thân, chẳng hạn trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu cần thông báo tin tức bệnh nhân để người nhà không sốt ruột", bác sĩ Tiến nói.

Theo bác sĩ Tiến, nếu người nhà gây rối, nhân viên y tế cần cố gắng mềm mỏng, làm dịu tình hình, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng chương trình báo động khẩn cấp để được hỗ trợ. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố triển khai hệ thống an ninh Code White, nhằm nhanh chóng tập trung đội hỗ trợ khi cần. Đội Code White gồm ban lãnh đạo, bác sĩ tâm lý, bảo vệ, nhóm chăm sóc khách hàng... sẽ có mặt nhanh tại hiện trường xung đột giúp trấn an, xoa dịu, hòa giải người trong cuộc.

bac-si-cap-cuu-bi-nguoi-nha-benh-nhi-bop-co-1659091889.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iQH8kQpZHLN0eucsdQMYGA
Bác sĩ cấp cứu bị người nhà bệnh nhi bóp cổ

Camera ghi cảnh bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định bị người nhà bệnh nhi tấn công, đêm 27/7.

Trong khi đó, các y bác sĩ mong muốn người bệnh thấu hiểu hơn về công việc, sự vất vả của người thầy thuốc. Họ cho rằng bệnh viện thiết lập hệ thống báo động, tăng cường lực lượng an ninh chỉ là giải pháp ứng phó tình huống. Vấn đề gốc rễ là cải thiện niềm tin giữa bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế, trên tinh thần tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau.

Theo bác sĩ Lam, y bác sĩ có lỗi với người bệnh đều bị xử lý kỷ luật với hình thức phù hợp; nhưng cũng cần có biện pháp chế tài đối với thân nhân, bệnh nhân tấn công nhân viên y tế. Thực tế người bệnh không có tiền vào viện vẫn được cấp cứu, bác sĩ có bị đánh mắng vẫn phải tiếp tục công việc cứu người. Có người bạo hành nhân viên y tế song không bị xử lý ngoài câu xin lỗi, trong khi đó một hành khách trên máy bay nếu đánh tiếp viên hàng không có thể bị cấm bay, người rút súng dọa tài xế có thể phải ngồi tù.

"Y bác sĩ không cần lời xin lỗi. Xảy ra chuyện, dù có được xin lỗi thì bác sĩ cũng đã bị đánh mắng, ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất, danh dự", bác sĩ Lam nói và đề xuất các hình thức chế tài như giảm mức hưởng bảo hiểm y tế hoặc treo bảo hiểm trong lần khám chữa bệnh tiếp theo, phạt tiền nặng, thông báo về địa phương hay cơ quan làm việc...

"Pháp luật cần quy định những biện pháp răn đe, xử lý phù hợp người tấn công y bác sĩ, bởi đó là hành vi chống người thi hành công vụ", bác sĩ kiến nghị.

Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế như tuyển thêm nhân viên an ninh, theo dõi camera, hạn chế số lượng khách đến thăm người bệnh, cho phép nhân viên y tế mang súng vào bệnh viện để tự vệ... Năm 2020, Trung Quốc ban hành luật mới nhằm đảm bảo an toàn cho y bác sĩ, cấm các cá nhân, tổ chức đe dọa hoặc làm tổn hại đến sự an toàn và nhân phẩm của nhân viên y tế. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và tạm giam. Ở Mỹ, các hành vi tấn công gây thương tổn thân thể cho nhân viên y tế có thể bị phạt tù, phạt tiền, tùy mức độ vi phạm.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022