Quy trình chẩn đoán chết não ở Việt Nam dựa trên Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, có hiệu lực từ năm 2007. Luật này được xây dựng trên cơ sở tham khảo mô hình từ nhiều quốc gia. Sau gần 20 năm thực hiện, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm tạo cơ chế thuận lợi, tăng cường nguồn tạng hiến, cứu sống nhiều bệnh nhân đang chờ ghép.

Luật quy định chết não là tình trạng toàn bộ não bị tổn thương nặng, mất hoàn toàn chức năng và không thể hồi phục. Việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể từ người đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Việc xác định này không phải là một quyết định đơn lẻ, cần có ít nhất ba lần chẩn đoán để khẳng định tình trạng chết não. Mỗi lần chẩn đoán đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn lâm sàng nghiêm ngặt và được thực hiện bởi một hội đồng chuyên môn độc lập.

Hội đồng này do người đứng đầu cơ sở y tế chỉ định, gồm 3 chuyên gia về hồi sức cấp cứu, thần kinh, phẫu thuật thần kinh hoặc giám định pháp y. Bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật ghép tạng hoặc đang điều trị cho người chết não không được tham gia nhóm này, nhằm đảm bảo tính khách quan và minh bạch.

Thời gian tối thiểu để xác định chết não là 12 giờ, tính từ khi người bệnh có đầy đủ các tiêu chuẩn lâm sàng và không có dấu hiệu hồi phục. Việc chẩn đoán chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế có khoa hồi sức cấp cứu, máy thở, máy phân tích khí máu và các điều kiện cần thiết khác theo quy định.

Các tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não bao gồm:

  • Hôn mê sâu (Glasgow 3 điểm).

  • Đồng tử hai bên giãn trên 4 mm và mất phản xạ với ánh sáng.

  • Mất phản xạ giác mạc, ho khi kích thích phế quản.

  • Không có phản xạ đầu - mắt.

  • Mắt không quay khi bơm 50ml nước lạnh vào tai.

  • Mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở.

Ngoài ra, cần sử dụng ít nhất một trong các cận lâm sàng như điện não đồ, chụp cắt lớp vi tính xuyên não, siêu âm Doppler xuyên sọ, chụp X-quang động mạch não, hoặc chụp đồng vị phóng xạ.

Theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, về nguyên tắc, việc hiến mô tạng từ người hiến sống hay chết não hoặc chết tuần hoàn (chết khi tim ngừng đập) để cứu người bệnh bị suy mô tạng giai đoạn cuối (nếu không có tạng hiến để ghép thì sẽ không thể sống được) là việc làm nhân đạo, nhân văn. Đến hiện tại, mô tạng hiến chỉ có thể có được từ con người, nên đòi hỏi có những yêu cầu bắt buộc, theo quy định của luật pháp.

Trên thế giới, mỗi nước có những cách tiếp cận rất khác nhau trong xác định chết não, tuy nhiên hầu hết đều theo nguyên tắc bác sĩ đang điều trị cho người hiến tiềm năng không được phép là người tuyên bố chết não hay chết tuần hoàn. Không bất kỳ ai có quyền làm ảnh hưởng đến quá trình hồi sức cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

Điều phối viên chịu trách nhiệm theo dõi quá trình đánh giá chết não, chết tuần hoàn và khả năng hiến mô tạng của người hiến tiềm năng, cũng không có liên quan đến phẫu thuật viên, bác sĩ đang điều trị cho người bệnh bị suy mô tạng hay người bệnh sau ghép. Ngoài ra, phải bảo đảm được tính minh bạch và công bằng trong việc tuyển chọn và điều phối mô tạng hiến để ghép.

"Việc quy định thành viên hội đồng chuyên môn chẩn đoán chết não không có liên quan đến phẫu thuật viên ghép mô tạng, bác sĩ đang điều trị cho người bệnh bị suy mô tạng hay người bệnh sau ghép, giúp tránh phát sinh các tiêu cực, chẩn đoán chết não vì lợi ích riêng", bác sĩ nói.

phong-nha-n-tang-1-jpg-1753333-6470-5816-1753333571.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4bL4fBXUNNPQ2JZI-9S7zw

Y bác sĩ mổ lấy tạng từ người hiến chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hiện, pháp luật Việt Nam chỉ quy định về hiến và ghép mô tạng từ người hiến sống hoặc chết não, chưa có quy định về hiến khi chết tuần hoàn. Theo bác sĩ Thu, trong bối cảnh khan hiếm tạng hiến, để tận dụng tối đa nguồn tạng tiềm năng, nhiều nước đã nghiên cứu mô hình hiến khi chết tuần hoàn (tim ngừng đập). Để triển khai hình thức hiến tạng này, các quốc gia cần có quy định rõ ràng trong Luật hiến tạng của mình.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao đề tài Nghiên cứu triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập cho Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện từ năm 2013 đến 2016. Kết quả của đề tài nghiên cứu sẽ giúp tư vấn cho Bộ Y tế trong việc đề nghị các quy định của hiến mô tạng ở người hiến khi tim ngừng đập.

Bác sĩ cho rằng sự phát triển chương trình hiến mô tạng từ người hiến chết não hay chết tuần hoàn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh, gia đình và xã hội. Người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt, có thể trở lại học tập, lao động, cống hiến tài năng cho xã hội, mang lại hạnh phúc cho gia đình. Tiết kiệm được nguồn tài chính tiêu tốn cho việc chữa bệnh, bởi chi phí chữa bệnh sau ghép chỉ bằng 1/3-1/5 chi phí trước ghép, giảm nguồn chi trả của bảo hiểm y tế. Chưa kể, thu nhập cũng được tăng thêm vì không chỉ người bệnh mà cả người thân cũng có thể đi làm nhiều hơn.

"Phát triển tốt chương trình hiến ghép mô tạng từ người hiến chết não hay chết tuần hoàn, đảm bảo tính công bằng, minh bạch thì nạn buôn bán và ghép tạng trái phép cũng sẽ giảm, an ninh trật tự trong xã hội cũng sẽ ổn định", bác sĩ Thu nhấn mạnh.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022