Anh này sốt cao liên tục, mệt mỏi, tự điều trị tại nhà 4 ngày không bớt, vào bệnh viện tỉnh được bác sĩ chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh nhân phải lọc máu, thở máy, truyền kháng sinh phổ rộng qua đường tĩnh mạch nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Anh được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng nguy kịch, trụy mạch, viêm cơ tim, suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương gan thận cấp tính, giảm tiểu cầu.

Ngày 2/7, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết vùng ngực phải của bệnh nhân có vết loét điển hình bệnh sốt mò. Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân nhiễm Orientia tsutsugamushi, là mầm bệnh gây sốt mò.

Xác định nguyên nhân, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, sử dụng các biện pháp hỗ trợ tạng suy. Hiện, người bệnh hết sốt, đỡ khó thở, các tạng suy có dấu hiệu hồi phục.

449704355-981959323722608-6891-2696-4433-1719893071.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2tWgWNI6ug164eGgmkedaQ

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do tác nhân Orientia tsutsugamushi, lây truyền qua vết đốt của ấu trùng mò. Bệnh có biểu hiện đa dạng, đặc trưng bởi sốt cao kéo dài, đau đầu dữ dội, da niêm mạc xung huyết và phát ban.

Vết loét điển hình của sốt mò hình thành tại vị trí ấu trùng mò đốt, có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1 mm đến 2 cm, vảy nâu nhạt hoặc sẫm màu, thường ở vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ, đôi khi ở những vị trí khác trên cơ thể. 65-80% trường hợp sốt mò sẽ có vết loét, thường chỉ một vết, hiếm khi có 2-3 vết loét.

Vết loét ngoài da do mò đốt lúc đầu là nốt phỏng, tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ, sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt kích thước 0,5-2 cm, có vảy đen. Đặc điểm của vết loét do sốt mò thường không đau, không ngứa, nên bệnh nhân không biết có vết loét. Nhiều người không có triệu chứng điển hình, đòi hỏi các phương pháp chẩn đoán bổ trợ.

Bệnh sốt mò nguy hiểm, song có thể dự phòng. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát, trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp. Khi lưu trú, làm việc tại những nơi có đặc điểm trên và trong vùng dịch tễ của sốt mò, mọi người nên mang giầy, tất, chít ống quần, tránh ngồi hay nằm hoặc để đồ đạc trực tiếp lên mặt đất, bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân kèm theo có yếu tố dịch tễ của sốt mò nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Như bệnh nhân trên, chưa rõ nhiễm ấu trùng sốt mò ở đâu và trong bối cảnh nào.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022