Ngày 4/7, ông Đỗ Tấn Thạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, khẳng định không đủ căn cứ để kết luận việc 19 học sinh Trường THPT Chi Lăng (TP Pleiku) nhập viện sau bữa ăn là vụ ngộ độc thực phẩm. Hiện, giới chức chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Hôm 15/6, Trường THPT Chi Lăng tổ chức ăn tại bếp ăn tập thể cho 400 người (gồm 345 học sinh tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và 55 cán bộ giáo viên, người lao động của trường). Bữa ăn gồm có bánh canh, xôi (buổi sáng); cơm, sườn heo chiên, canh rau má, cải thảo xào (buổi trưa); cơm, thịt gà chiên, canh rau cải ngọt, cải thảo xào (chiều tối).

z5546675266000-c58467ad0292373-5298-8109-1720076712.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r__naKjQ8CCZUAaYQczh-A

Trường THPT Chi Lăng. Ảnh: Ngọc Oanh

Vào dịp cuối tuần, nhà trường cũng cho phụ huynh mang đồ ăn bên ngoài vào cho học sinh.

Kết quả điều tra cho thấy 400 người ăn, có 19 người (là học sinh) xuất hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt nhẹ. Phân tích mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân trên không phát hiện vi khuẩn Samonella.

Ngoài ra, các mẫu thực phẩm do Trường THPT Chi Lăng lưu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kiểm nghiệm cũng không ghi nhận vi khuẩn gây ngộ độc.

Riêng đối với mẫu canh rau má, vi khuẩn E.coli vượt quá giới hạn cho phép. Tuy nhiên, không đủ để định danh chủng E.coli trong thực phẩm, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho hay.

Trong khi đó, ngày 29/6, Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, cho biết kết quả từ các mẫu bệnh phẩm cho thấy các học sinh bị nhiễm khuẩn E.coli. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên nhận định, triệu chứng của các bệnh nhân nhẹ, không phù hợp với các triệu chứng theo tài liệu chuyên sâu về nhóm vi khuẩn E.coli gây bệnh.

"Mẫu bệnh phẩm dương tính với E.coli không phân lập được chủng gây bệnh, kết quả chỉ định danh chứ không định lượng, do đó cũng không đủ căn cứ để kết luận E.coli là nguyên nhân", đại diện viện cho hay.

Trần Hóa

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022