Các ca nhiễm có liên quan đến phòng khám tư nhân Luz Médica ở thành phố San Miguel de Tucumán, cách Buenos Aires khoảng 24km về phía bắc. Các ca tử vong đều có bệnh nền từ trước. Trong đó, một người được coi là "bệnh nhân số 0" (người bệnh đầu tiên) từng phẫu thuật cắt túi mật tại Luz Médica. Ca tử vong mới nhất là một nam giới 48 tuổi, có các bệnh đi kèm.
Các bệnh nhân còn lại đang được theo dõi ở bệnh viện hoặc điều trị tại nhà. Trong đó, một người đàn ông 64 tuổi có bệnh nền đi kèm, nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng; một người đàn ông 81 tuổi cũng có triệu chứng nặng, Cơ quan Y tế Tucumán cho biết trong thông cáo báo chí.
Các ca nhiễm tại Argentine có triệu chứng đầu tiên kể từ ngày 11/8 đến ngày 23/8. Theo Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO), biểu hiện của căn bệnh là sốt, đau cơ, đau bụng, khó thở, viêm phổi hai bên, được xác định do nhiễm trùng cả hai phổi.
Ngày 3/9, các quan chức cho biết xét nghiệm máu của 4 bệnh nhân xuất hiện vi khuẩn Legionella. Vì vậy, họ đặt ra nghi vấn đây là nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh Legionella là một dạng nhiễm trùng phổi do vi khuẩn Legionella gây ra. Thể nhẹ hơn của bệnh gọi là sốt Pontiac. Vi khuẩn Legionella có thể sinh sống ở mọi loại hệ thống nước như lạch, ao, hồ, là chất dinh dưỡng cho cây.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, vi khuẩn có thể lây truyền khi con người hít phải các giọt bắn lơ lửng trong không khí hoặc uống nước có chứa vi khuẩn.
Các nhân viên cảnh sát bên ngoài bệnh viện Luz Medica, ở Tucuman, Argentina, ngày 1/9. Ảnh: NBC
WHO và PAHO đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan y tế Argentina để điều tra đợt bùng phát mới. Tiến sĩ Jake Dunning, chuyên gia cấp cao về các bệnh nhiễm trùng mới nổi tại Viện Khoa học Đại học thuộc Đại học Oxford, cho biết điều quan trọng là phải đợi kết quả cuộc điều tra sức khỏe cộng đồng trước khi đưa ra kết luận.
"Có thể các trường hợp tiếp theo sẽ xuất hiện trong tương lai, nhưng không có nghĩa đây sẽ là khởi đầu của đại dịch mới", ông nói.
Ông nhận định Argentina có nhiều kinh nghiệm trong việc điều tra và kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh hô hấp cấp tính nghiêm trọng, ví dụ cúm H1N1, Covid-19 và hantavirus Andes. Vì vậy, cụm bệnh mới được coi là tương đối nhỏ, nguyên nhân cơ bản sẽ được xác định một cách nhanh chóng.
Tiến sĩ Lance Turtle, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Liverpool, có chung quan điểm.
"Chúng ta không nên quá lo lắng trong giai đoạn này. Viêm phổi rất hiếm khi được chẩn đoán do vi khuẩn cụ thể nào gây ra. Không phải bệnh nhân viêm phổi nào cũng có đặc điểm lâm sàng giống nhau", ông cho biết.
Thục Linh (Theo CNN, NBC)