Thời gian gần đây, câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ của lòng xe điếu cũng như những nghi vấn về nguy cơ bị làm giả hoặc dùng hóa chất "phù phép" loại lòng này đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những người coi đây là món ăn khoái khẩu.
Được biết, lòng xe điếu là một đoạn ngắn của ruột non lợn, nổi bật với thành ruột dày, nhiều nếp gấp gân guốc, tạo cảm giác dai giòn, không ngấy khi ăn. Tên gọi "xe điếu" xuất phát từ hình dáng tròn đều, cứng cáp, giống ống se điếu thuốc lào truyền thống.
Lòng xe điếu thường được cho là xuất hiện ở lợn cái già, gầy yếu, nuôi lâu năm với chế độ ăn tự nhiên như rau, bèo tấm. Còn với lợn nuôi công nghiệp, thời gian nuôi ngắn và thức ăn chuẩn hóa, hầu như không có lòng xe điếu hoặc có cũng rất ít. Vì sự khan hiếm này nên lòng xe điếu được nhiều người săn lùng và giá thành cũng cao hơn so với lòng non thông thường.

Câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ của lòng xe điếu đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa.
Lòng xe điếu có bổ dưỡng hơn lòng non thông thường?
Chia sẻ về điều này trên trang Facebook cá nhân, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, so với lòng non thông thường, lòng xe điếu có kết cấu săn chắc, đàn hồi tốt, không bị teo tóp nhiều khi luộc/hấp và giữ màu trắng bóng đẹp. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào xác nhận lòng xe điếu có giá trị dinh dưỡng vượt trội so với lòng non thông thường.
Theo BS Hoàng, lòng lợn nói chung cung cấp 100-150 kcal, 7,2-22g protein, 1,3g chất béo và các vi chất như sắt, kẽm, vitamin B12 trên 100g. Tuy nhiên, hàm lượng cholesterol cao (gần 400mg/100g) đòi hỏi tiêu thụ điều độ, đặc biệt với người có bệnh lý tim mạch hay chuyển hóa.
"Sự vượt trội của lòng xe điếu chủ yếu nằm ở kết cấu và hương vị, chứ không phải thành phần dinh dưỡng. Giá cao và tính khan hiếm tạo thiên kiến rằng nó 'bổ hơn', nhưng thiếu bằng chứng khoa học củng cố", BS Hoàng nhấn mạnh.
Hệ lụy khi ăn phải lòng xe điếu bị "phù phép"
Theo các chuyên gia, dù được biết đến là loại thực phẩm khan hiếm nhưng hiện nay, trên thị trường, nhiều nơi lòng xe điếu vẫn rao bán phổ biến với giá từ 1,2-4 triệu đồng/kg. Sự phổ biến bất thường của lòng xe điếu tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại.
Hay nói cách khác, điều này làm dấy lên nghi vấn về việc lòng xe điếu bị làm giả, sử dụng hóa chất như oxy già, phèn chua, thậm chí formol để "phù phép" lòng thường thành lòng xe điếu, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Điều đáng nói, việc phân biệt lòng thật - giả bằng cảm quan là rất khó, ngay cả với các đặc điểm như độ đàn hồi, màu sắc hay kết cấu.
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, các sản phẩm lòng xe điếu nếu bị giả mạo, tẩm hóa chất độc hại không chỉ đánh lừa người tiêu dùng mà còn gây nguy cơ ngộ độc, tổn thương tiêu hóa, thậm chí ung thư nếu tích tụ lâu dài.
Ngoài ra, lòng xe điếu nói riêng và nội tạng lợn nói chung tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng nếu không được làm sạch và nấu chín kỹ. Đặc biệt là với các loại trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc bán trên các nền tảng trực tuyến chưa được kiểm soát.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, không ăn lòng xe điếu cũng như các loại lòng không rõ nguồn gốc xuất xứ, dễ có những chất bảo quản hoặc tẩy rửa bằng hóa chất không tốt cho sức khỏe.
Chỉ nên ăn lòng 1-2 lần/tháng và đảm bảo lòng đã được làm sạch và nấu chín để tránh mầm bệnh và ký sinh trùng nguy hiểm.
Với những người mắc bệnh gout; người bị bệnh tim mạch, mỡ máu cao; người có hệ tiêu hóa kém; người bị viêm gan, xơ gan; người thừa cân, béo phì; phụ nữ mang thai… không nên ăn lòng để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc làm trầm trọng tình trạng bệnh.

GĐXH – Theo các chuyên gia, nếu vô tình ăn phải nội tạng của lợn bệnh, nhất là lòng chưa được nấu chín, nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, ký sinh trùng hoàn toàn có thể xảy ra, gây hại cho người dùng.