![avatar1739145448902-1739145448959354982095.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/9/avatar1739145448902-1739145448959354982095.jpg)
Một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Science phát hiện ra rằng, sử dụng quá nhiều đường khi còn nhỏ thì những tác hại vẫn tiếp tục kéo dài đến tận tuổi trưởng thành, là một nguyên nhân dẫn tới bệnh cao huyết áp và tiểu đường type 2.
Ngoài ra, còn thông tin đáng chú ý từ kết quả nghiên cứu đó là, thói quen ăn đồ ngọt khi nhỏ dễ trở thành sở thích khi trưởng thành. Thực tế hiện nay, trẻ đang tiêu thụ lượng đường vượt quá khung được khuyến nghị. Việc giảm đường trở thành một thách thức khi mà những sản phẩm ngọt ngào được trẻ em yêu thích có thể tìm thấy dễ dàng ở mọi nơi, mọi lúc, dưới nhiều hình thức bắt mắt. Từ nước ngọt, kẹo bánh đến ngũ cốc ăn sáng, đồ ăn vặt, ngay cả thức ăn dành riêng cho trẻ em nhỏ tuổi cũng có hàm lượng đường nhất định để dễ hấp dẫn hơn. Người lớn cũng rất hay có thói quen tặng thưởng cho trẻ em bằng những món đồ ngọt vì sẵn có, ngon miệng, màu sắc, kiểu dáng đẹp và giá thành hợp lý... Thành phần chứa đường lại quá đa dạng, được thể hiện trên nhãn dán cũng khá phức tạp khiến không ít phụ huynh dù kỹ lưỡng cũng vẫn không tránh khỏi việc mua sản phẩm chứa nhiều đường.
![avatar1739145448903-17391454494991254184640.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/9/avatar1739145448903-17391454494991254184640.jpg)
Những món đồ ngọt có sức hấp dẫn lớn với trẻ nhỏ
Không phải đợi đến khi trưởng thành, trẻ ăn nhiều đồ ngọt có nguy cơ béo phì, sâu răng. Quá nhiều đường bổ sung cũng liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 gia tăng ở trẻ em.
Không dễ thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm chứa đường. Loại bỏ hoàn toàn đường bổ sung với trẻ nhỏ lại càng là điều không thực tế nhưng vẫn có thể điều chỉnh được lượng tiêu thụ một cách hợp lý hơn. Vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc sớm hướng dẫn, thông tin cho trẻ khi nào nên ăn đồ ngọt và bao nhiêu thì là đủ vì những thói quen, sở thích ấy sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tổng thể khi trưởng thành. Thực phẩm chế biến có thể rất tiện lợi tuy vậy trẻ em càng ăn nhiều thực phẩm nguyên chất và các bữa ăn tự làm thì lượng đường tiêu thụ sẽ có thể ít hơn, dễ kiểm soát hơn. Cùng với đó, hãy khuyến khích trẻ em uống nhiều nước lọc hơn và hạn chế dùng đồ uống có đường...