Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, từ xa xưa, trong dịp Tết Nguyên đán, quất được dùng làm cây cảnh trang trí trong nhà. Những quả quất màu vàng au hoặc đỏ cam tròn trĩnh và xinh xắn xen lẫn lá xanh dày tượng trưng cho mùa xuân đầy sức sống. Quất còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Quả quất có mùi thơm, vị ngọt, chua và tinh dầu thơm cay của vỏ, được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín.

Lợi ích khi ăn quất

Cải thiện sức khỏe đường hô hấp

Hàm lượng axit citric mạnh mẽ trong nước quất giúp làm sạch đờm và chất nhầy, nơi các bệnh nhiễm trùng thường trú ngụ và lây lan đồng thời làm giảm viêm ở cổ họng, đường hô hấp.

Tăng khả năng miễn dịch

Quất chứa nhiều vitamin C và các chất dinh dưỡng có lợi khác, loại nước này đã được sử dụng như một chất tăng cường miễn dịch. Nó có thể kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu và chống lại tác động tiêu cực của các gốc tự do, nhờ đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.

Thúc đẩy sản xuất collagen

Vitamin C là một yếu tố quan trọng trong việc sản xuất collagen, là hợp chất cần thiết để tạo ra mọi mô, sợi cơ và tế bào trong cơ thể. Nước tắc có thể tạo ra axit ascorbic giúp tăng khả năng phát triển của cơ thể, cũng như sửa chữa những tổn thương do chấn thương, bệnh tật hoặc phẫu thuật.

Có lợi đối với bệnh tiểu đường

Một số lượng lớn các nghiên cứu đã được thực hiện về tác dụng điều hòa lượng đường trong máu của nước quất. Nó có thể giúp điều chỉnh việc giải phóng glucose và insulin vào máu, đây là một tin tuyệt vời cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người có nguy cơ phát triển bệnh.

Giúp giảm cân

Nước quất có tác động đối với việc giảm cân, vì nó không chỉ tăng cường trao đổi chất mà còn loại bỏ nhiều độc tố trong cơ thể có thể góp phần tích trữ chất béo.

Bằng cách tăng tỷ lệ trao đổi chất, nước ép này có thể tăng cường đốt cháy chất béo thụ động suốt cả ngày, đồng thời giải độc cơ thể sẽ giúp tất cả các hệ thống cơ quan của hoạt động trơn tru hơn và hoạt động tốt, giúp đốt cháy calo.

Làm dịu dạ dày

Mặc dù có hàm lượng axit citric và axit cao trong loại quả này, nhưng nhiều người vẫn uống nó như một chất làm dịu dạ dày. Bởi quất có thể làm giảm mức độ viêm khi tiêu thụ điều độ, giảm nguy cơ phát triển vết loét và bảo vệ khỏi bệnh trào ngược axit.

Kiểm soát mức cholesterol

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước quất có thể giúp giảm mức cholesterol, đây là một bước quan trọng để giảm cân và tránh hội chứng chuyển hóa. Nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.

Lưu ý không nên uống sữa trước và sau khi ăn quất 1 tiếng, vì protein trong sữa sẽ đông lại khi gặp axit trong quất. Điều này sẽ gây ra tình trạng khó tiêu hóa, đầy bụng, buồn nôn. Không nên ăn nhiều quất trước bữa ăn hoặc khi bụng đói, vì các axit hữu cơ sẽ kích thích niêm mạc thành dạ dày, gây khó chịu.

Khi bị viêm họng, ngứa cổ, ho không nên cho đường khi uống trà quất, nếu cho nhiều đường sẽ tạo đờm. Người tỳ vị hư nhược không nên ăn quá nhiều quả quất. Người tiểu đường không nên dùng quất ngâm mật ong

anh-4-1735558659-1738388989-6731-1738391100.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BE0QRYXuM1JA0bdDgBJGLQ

Làng quất cảnh ở Cẩm Hà có truyền thống hơn 100 năm. Ảnh: Đắc Thành

Các món có thể làm từ quất tại nhà

Mứt quất

Quất rửa sạch, khứa nhẹ, ép bỏ hạt, sau đó ướp với đường. Sên trên lửa nhỏ cho đến khi quất thấm đường và có màu óng đẹp. Món này rất thích hợp để nhâm nhi ngày Tết hoặc làm quà tặng.

Kẹo quất dẻo

Nấu nước quất với đường và gelatin, sau đó đổ vào khuôn để đông lại. Kẹo có vị chua ngọt, thơm lừng, rất hợp với trẻ nhỏ.

Siro quất

Nước quất tươi ép lấy nước, hòa đường, đun sôi, rồi để nguội. Siro này có thể pha với nước đá, soda, hoặc làm topping cho các món tráng miệng.

Trà quất mật ong

Kết hợp trà xanh, nước cốt quất, và mật ong để làm thức uống thơm ngon, tốt cho sức khỏe. Có thể dùng nóng hoặc lạnh tùy thích.

Nước quất gừng

Nấu quất với gừng, đường phèn và nước lọc. Món nước này giúp giữ ấm cơ thể và trị ho hiệu quả.

Bác sĩ Vũ lưu ý, những bộ phận của quất dùng để ăn cần được đảm bảo an toàn, không ngấm hóa chất.

Quất dùng để chưng ngày Tết có thể được người trồng dùng thuốc để kích cho ra trái đều, đẹp, to, tròn. Vì vậy, chúng ta nên bỏ hết trái khi chúng bị héo, rụng hoặc cắt bỏ khi hết Tết. Chỉ nên ăn lứa trái ra sau đó để đảm bảo an toàn, tránh ngộ độc hóa chất.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022