GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, cho biết tại Hội nghị khoa học ghép tạng toàn quốc lần thứ IX, tại Học viện Quân y, ngày 12/10, thêm rằng tỷ lệ sống sau ghép gan tại nước ta tương đương tỷ lệ các nước phát triển.
Ghép gan là một trong kỹ thuật phức tạp nhất trong chuyên ngành tiêu hóa - gan mật, mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh gan giai đoạn cuối. Đến nay kỹ thuật ghép gan Việt Nam đã trải qua 20 năm, đạt được nhiều thành tựu. Ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện 103 năm 2004. Còn hiện Việt Nam có 9 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này và đã ghép cho 604 ca, nguồn từ người cho sống và người chết não. Trong đó, 123 ca ghép gan từ người cho chết (20%), còn lại là từ người cho sống.
Nam giới ghép gan nhiều hơn nữ. Độ tuổi ghép nhiều nhất là 16-60 (chiếm 57%), còn lại là trẻ em và người già. Bệnh nhân được ghép gan chủ yếu mắc các bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, xơ gan, suy gan cấp, teo đường mật bẩm sinh... Tỷ lệ sống sau ba năm của bệnh nhân ghép gan tại Việt Nam đạt 73%, trên 5 năm là 65%, còn trên 10 năm là 32%.
"Sau 20 năm ghép gan, đến nay Việt Nam đã tiếp cận được với trình độ ghép gan trên thế giới", GS Khánh nói.
Ca ghép đồng thời tim và gan đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức, tháng 10/2024. Ảnh: Thảo My
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc Học viện Quân y, nói rằng ngành ghép tạng của Việt Nam được đánh giá là đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Tuy nhiên đến nay trình độ ghép tạng của bác sĩ Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, sau 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên thành công tại Bệnh viện 103.
Song, các chuyên gia nhìn nhận cản trở lớn trên con đường phát triển ghép tạng Việt Nam là thiếu tạng ghép. Đây cũng là vấn đề toàn cầu, song tình trạng ở Việt Nam được cho là trầm trọng nhất. Tỷ lệ hiến tạng trên một triệu dân Việt Nam năm 2023 là 0,15% (nghĩa là 10 triệu người mới có 1,5 người chết hiến tạng), chỉ bằng 1/300 của Tây Ban Nha và 1/40 của Thái Lan, thuộc nhóm nước thấp nhất trên thế giới.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, nước ta đã thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Số ca chết não hiến mô tạng trong 9 tháng đầu năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái, được cho là "chưa từng có" trong lịch sử ghép tạng Việt Nam.
Bộ Y tế đã cấp phép cho 29 bệnh viện thực hiện kỹ thuật ghép tạng. Cả nước có gần 9.000 ca ghép tạng được thực hiện. Trong đó, chủ yếu là ghép thận với khoảng 8.000 ca; hơn 600 ca ghép gan; 80 ca ghép tim; 10 ca ghép phổi; còn lại một số ca ghép ruột, tạng khác.
Lê Nga