Thông tin được TS.BS Nguyễn Anh Dũng, phụ trách Đơn nguyên Tim mạch, Bệnh viện Bưu điện, cho biết tại Hội nghị Khoa học, ngày 12/10. Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như Hỗ trợ sinh sản, Ngoại Tiết niệu, Phẫu thuật cột sống, Nội khoa, Tai Mũi Họng, Tế bào gốc và Di truyền, Điều dưỡng...
Theo Bộ Y tế, các bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch.
"Số người trẻ mắc bệnh ngày càng tăng, 11-13% mỗi năm", bác sĩ Dũng nói, thêm rằng nhiều trường hợp 25-35 tuổi bị nhồi máu cơ tim, suy tim...
Bác sĩ Trần Hùng Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Bưu điện, cũng nhìn nhận số bệnh nhân tim mạch tăng trung bình trên 10% mỗi năm. Mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận gần 100 người đến khám các bệnh lý về tim mạch.
Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam ghi nhận 3.500-4.000 trường hợp can thiệp tim mạch, trong đó 15-17% là bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Bệnh tim mạch được ví như "sát thủ thầm lặng" vì thường diễn biến âm thầm. Hầu hết trường hợp tử vong tim mạch chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chẳng hạn, bệnh lý tăng huyết áp thường không có triệu chứng cụ thể, chỉ khi đo huyết áp người bệnh mới thấy chỉ số huyết áp tăng cao. Người bệnh vì vậy chủ quan trong điều trị và theo dõi tình trạng bệnh.
Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp ba lần so với người không mắc bệnh.
Bác sĩ đang tái thông dòng chảy tạm thời, hút huyết khối, dùng thuốc vận mạch, giúp bệnh nhân qua nguy kịch. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nguyên nhân khiến số ca tim mạch ngày càng tăng là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, nguy cơ hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp. Lối sống lười vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng khiến số ca mắc mới tăng.
Ngoài ra, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khi tiếp xúc các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng 10-20% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Đặc biệt, người trẻ thường chủ quan không nghĩ mình bệnh, không nhận biết được các triệu chứng của nhồi máu cơ tim, bỏ lỡ "thời gian vàng" trong điều trị, tăng biến chứng, thậm chí tử vong.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, cần ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh. Tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích. Người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng sau này.
Thùy An