Ca mắc tăng 153%
Theo HCDC, 704 trong tổng số 838 ca mắc SXH tuần qua thuộc khu vực TPHCM cũ, tăng 38,8 % so với trung bình 4 tuần trước. Các địa phương mới sáp nhập về TPHCM gồm Bình Dương cũ với 84 ca được phát hiện, cao gần gấp đôi cùng kỳ (44 ca). Bà Rịa – Vũng Tàu cũ với 50 ca, cao hơn 15 ca so với tuần trước.
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 14.370 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 153% so với cùng kỳ 2024 (8.696 ca). Riêng khu vực nội đô chiếm 11.014 ca, tăng 158 %; Bình Dương cũ 2.494 ca, tăng 145 %; Bà Rịa – Vũng Tàu cũ 862 ca, tăng 122 %.

Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng tại TPHCM đang gây ra áp lực cho lĩnh vực điều trị
Đáng lo ngại, SXH đã khiến 6 ca tử vong, trong đó 3 ca tại TPHCM cũ, 2 ca ở Bình Dương cũ và 1 ca tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũ. Tại các bệnh viện, số bệnh nhân nặng tăng nhanh ở cả trẻ em và người lớn gây áp lực cho lĩnh vực điều trị.
BS.CK2 Nguyễn Đình Qui – Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cảnh báo, mùa mưa đến cũng là lúc bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. Trẻ em là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao và dễ bị biến chứng nặng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp tưởng như chỉ là sốt thông thường nhưng diễn tiến rất nhanh, có thể đe dọa đến tính mạng trẻ chỉ sau vài ngày.
"Hiện nay ngoài biện pháp phòng ngừa truyền thống bằng cách bảo vệ cơ thể tránh nguy cơ muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng... thì đã có thêm vắc xin phòng bệnh SXH. Vắc xin này sử dụng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Phụ huynh có thể đưa con đi tiêm phòng, trẻ sẽ được thăm khám và tiêm ngừa khi đủ điều kiện về sức khỏe, không có yếu tố chống chỉ định" - BS Nguyễn Đình Qui cho biết.
Mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển
Phân tích dữ liệu giám sát nhiều năm, HCDC ghi nhận các đợt dịch lớn thường khởi phát từ giữa tháng 6, đạt đỉnh cuối tháng 8. Những cơn mưa dày đặc xen trời oi bức là “bệ phóng” lý tưởng cho muỗi Aedes aegypti sinh sôi. Năm 2025, hoạt động sản xuất – xây dựng và dòng dân cư dịch chuyển mạnh sau sáp nhập hành chính càng tạo thêm ổ chứa nước đọng, làm tăng mật độ muỗi.
HCDC nhận định, nếu các phường, xã buông lỏng chiến dịch diệt lăng quăng dù chỉ một tuần, ca mắc sẽ nhảy vọt. Khi chuỗi lây nhiễm thứ phát hình thành, biện pháp phun hóa chất khó còn hiệu quả như giai đoạn sớm. Để kìm hãm tốc độ lây lan của SXH, Sở Y tế chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát – xử lý ổ dịch và củng cố năng lực điều trị. Hiện nay, gần 2.000 điểm nguy cơ trên toàn thành phố đã được cập nhật trên ứng dụng “Y tế trực tuyến” nhằm khoanh vùng, xử lý, triển khai phương án dự phòng.

Ngành y tế đang chủ động các biện pháp phòng bệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Ở khâu điều trị, các bệnh viện nhi và khoa truyền nhiễm được yêu cầu kích hoạt kịch bản ứng phó, phân luồng sớm ca nghi ngờ, tăng giường bệnh cấp cứu, đảm bảo đủ dịch truyền, thuốc hạ sốt và máy lọc máu liên tục cho trẻ nặng. Tại tuyến quận, huyện, bác sĩ được cập nhật phác đồ cảnh báo dấu hiệu bệnh nhân mắc SXH, tuyệt đối không để người bệnh chuyển nặng tại nhà vì tự ý điều trị.
Ngành y tế lưu ý, người dân cần duy trì kiểm tra lục soát góc sân, mái hiên, mái tôn, nơi đọng nước sau mưa; đều đặn súc rửa và thay nước bình bông, khay chậu cảnh; che kín lu, thùng, bể chứa nước. Khi bắt buộc trữ nước, người dân nên nuôi cá hoặc rắc muối, không để bề mặt nước “yên tĩnh” quá ba ngày. Bên trong nhà, cửa sổ, người dân nên lắp lưới, ngủ mùng cả ban ngày. Trường hợp sốt cao liên tục, đau đầu, đau hốc mắt, chảy máu chân răng, bà con cần đến ngay cơ sở y tế, tuyệt đối không tự truyền dịch tại nhà.
HCDC kêu gọi người dân mỗi tuần dành ít nhất 10 phút kiểm tra vật chứa nước, lật úp phế liệu, súc rửa bể cảnh, che kín bồn trữ nước. Hộ gia đình nên nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng, ngủ mùng kể cả ban ngày, sử dụng bình xịt, vợt muỗi khi cần. Trẻ em và người lớn tuổi có dấu hiệu sốt phải đến cơ sở y tế sớm. Việc tự điều trị tại nhà là nguyên nhân chính gây chuyển nặng và tử vong.