Theo Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, trong số này nhiều người có kinh nghiệm trong nghề, nghỉ việc chủ yếu do thu nhập thấp và không đảm bảo thiết bị để làm công tác chuyên môn. Đại diện Sở Y tế lý giải, hơn hai năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nguồn thu của các cơ sở y tế hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động chi thường xuyên, đặc biệt là thanh toán tiền lương, phụ cấp trực, phẫu thuật, thu nhập nâng cao...
Đại diện Sở Y tế cho biết trước năm 2020 không xảy ra thực trạng này. Nếu có chỉ là một số nhân viên y tế như y tá, điều dưỡng, hộ lý... xin chuyển đơn vị vì lý do cá nhân như muốn được gần nhà, và vẫn làm trong cơ sở y tế nhà nước. Với bác sĩ, số lượng xin chuyển công tác rất ít, không đáng kể, hy hữu lắm mới có một hoặc hai trường hợp.
"Có nhiều lý do để nhân viên y tế nghỉ việc song cốt lõi vẫn là thu nhập. Làm việc trong môi trường nhà nước lương thưởng hạn chế, khi cơ sở y tế tư nhân mời gọi với mức đãi ngộ lớn gấp đôi, gấp ba lần so với hiện tại thì họ cũng dao động tư tưởng", đại diện Sở Y tế nói và giải thích thêm bác sĩ là nguồn nhân lực chất lượng cao, đơn vị cũng rất băn khoăn khi gần đây nhiều người viết đơn xin nghỉ.
Bác sĩ ở Hà Tĩnh làm nhiệm vụ chống dịch, tháng 6/2021. Ảnh: Đức Hùng
Một bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm (không muốn nêu tên) chia sẻ: "Công tác tại bệnh viện công hay tư đều là làm thuê, mục tiêu cuối cùng cũng là chữa khỏi bệnh cho người dân" và nói thêm là các cơ sở y tế tư nhân đầu tư máy móc, thiết bị tốt hơn, phục vụ sâu hơn cho hoạt động chuyên môn.
"Sau nhiều tháng đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định nghỉ việc ở bệnh viện nhà nước, đầu quân cho một bệnh viện tư nhân mới thành lập trên địa bàn", bác sĩ này nói.
Tính đến năm 2021, ngành y tế Hà Tĩnh có hơn 5.200 công, viên chức, tỷ lệ 11 bác sĩ/10.000 dân, 1,3 dược sĩ/10.000 dân. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân như Hà Tĩnh là khá cao so với cả nước và nhiều địa phương là trung tâm hành chính kinh tế cả nước. Ví dụ, tỷ lệ này ở cả nước trung bình là 7, TP HCM đạt thấp nhất với 2,31 trong khi Hà Nội là 6,8.
Năm 2022, số viên chức biên chế sự nghiệp thuộc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh là 3.190, trong đó có 306 biên chế ngân sách nhà nước, 2.884 biên chế do cơ sở y tế tự chi trả. Hiện tỉnh có 2.383 viên chức và hợp đồng trong biên chế, 299 người hưởng ngân sách nhà nước, 2.084 người do đơn vị tự đảm bảo kinh phí. Như vậy, so với số biên chế được giao, tỉnh còn thiếu 807 viên chức, trong đó có 7 viên chức thuộc quản lý nhà nước, 800 viên chức do đơn cơ sở y tế trả lương.
Thế nhưng trên thực tế nhiều cơ sở y tế khó khăn trong tuyển dụng bác sĩ đa khoa về làm việc, như các bệnh viện Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, kể cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh... HĐND tỉnh đã xây dựng các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế như thêm lương, tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ ngoài lương gồm tiền ăn, xăng xe, điện thoại... trình UBND xem xét.
Theo Bộ Y tế, gần 10.000 nhân viên y tế trên cả nước rời bỏ bệnh viện công trong 18 tháng qua, nhiều nhất là ở TP HCM, Hà Nội (gần 900), Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Tại TP HCM, chỉ trong quý I năm nay khoảng 400 người nghỉ việc - bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm - trước khi đại dịch xuất hiện. Riêng năm 2021, ngành y tế TP HCM ghi nhận khủng hoảng lực lượng lao động với số người nghỉ việc là 1.154.
Đức Hùng