Trong video đăng trên Instagram ngày 24/5, thu hút hơn 8,5 triệu lượt xem, bác sĩ Thales Andrade, chuyên gia tiết niệu, chia sẻ hình ảnh đĩa đựng đầy những viên sỏi màu vàng lớn vừa được lấy ra từ cơ thể bệnh nhân ngay sau ca phẫu thuật. Ông cho biết thói quen uống 3 lít nước ngọt mỗi ngày là nguyên nhân trực tiếp khiến người đàn ông này hình thành sỏi tiết niệu nghiêm trọng.
Theo giải thích của bác sĩ, nước ngọt có ga chứa nhiều đường và axit phosphoric. Hai thành phần này không chỉ làm tăng lượng canxi trong cơ thể mà còn tạo môi trường axit trong thận, điều kiện lý tưởng để hình thành sỏi.
"Duy trì đủ nước và hạn chế đồ uống có ga là cách phòng ngừa thiết yếu. Sức khỏe thận bắt đầu từ những lựa chọn uống hằng ngày của chúng ta", bác sĩ Andrade nhấn mạnh.
Sỏi thận là các cặn canxi tích tụ trong đường tiết niệu. Chúng có thể gây đau dữ dội, buồn nôn, nôn, cảm giác châm chích và thậm chí là có máu trong nước tiểu. Nếu không được điều trị, sỏi có thể di chuyển đến bàng quang, gây nhiễm trùng hoặc suy thận, những biến chứng có thể đe dọa tính mạng.
Theo Quỹ Thận Quốc gia, kích thước sỏi càng lớn, triệu chứng càng nghiêm trọng. Người bệnh có thể cảm thấy đau dữ dội ở vùng lưng dưới, tiểu ra máu, buồn nôn, nôn mửa hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số trường hợp còn bị sốt, ớn lạnh hoặc tiểu khó. Sỏi thận ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số, phổ biến nhất ở nhóm tuổi từ 30 đến 60.
Theo thời gian, các tinh thể chất thải trong máu có thể kết tụ trong thận và đường tiết niệu, tạo thành sỏi. Thói quen ăn mặn, uống ít nước, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn hoặc nước ngọt có ga đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các viên sỏi bác sĩ lấy ra từ bàng quang người đàn ông. Ảnh: Thales Andrade
Thông thường, sỏi nhỏ có thể được cơ thể tự đào thải qua đường tiểu. Tuy nhiên, với những viên sỏi lớn hoặc gây biến chứng, người bệnh cần được can thiệp bằng tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi niệu quản hoặc phẫu thuật mở bàng quang để lấy sỏi.
Trường hợp tại Brazil không phải là cá biệt. Năm 2013, Natasha Harris, một bà mẹ 30 tuổi ở New Zealand, tử vong vì rối loạn nhịp tim sau nhiều năm uống tới 10 lít nước ngọt mỗi ngày. Khám nghiệm cho thấy lượng caffeine và đường quá mức trong nước ngọt góp phần trực tiếp gây ra cái chết. Cô từng phải nhổ toàn bộ răng vì sâu nặng và có các triệu chứng nghiện rõ rệt như run tay, cáu kỉnh nếu không được uống nước ngọt.
Các chuyên gia cảnh báo tiêu thụ nước ngọt có ga thường xuyên không chỉ làm tăng nguy cơ sỏi thận mà còn liên quan đến hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như béo phì, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mỗi người nên hạn chế lượng đường bổ sung ở mức dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ mỗi ngày, tương đương khoảng 50 g đường, trong khi một lon nước ngọt 330 ml đã chứa tới 35 g.