Hơn 15.000 ca sốt xuất huyết được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận kể từ đầu năm đến nay, tăng gần 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực TP HCM cũ có gần 12.000 ca với 222 trường hợp nặng, 6 bệnh nhân tử vong. Tỉnh Bình Dương cũ ghi nhận gần 2.700 ca, trong đó 65 ca chuyển nặng, 3 người tử vong. Bà Rịa - Vũng Tàu cũ có 929 ca, một tử vong. Số ca nặng tại các địa phương đều cao gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
"Sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh và lan rộng, số ca nặng và tử vong đang gây áp lực lên hệ thống y tế", đại diện HCDC cảnh báo. Trong giai đoạn 2019-2022, các đợt dịch lớn đều bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 - cao điểm mùa mưa, môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Do đó, thời điểm hiện nay cũng là khung thời gian thành phố đặc biệt cảnh giác.
Các địa phương đang tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch và đánh giá điểm nguy cơ, hướng dẫn người dân phòng bệnh nhằm giảm số ca mắc và tử vong. Kênh ứng dụng Y tế trực tuyến sẽ tiếp nhận phản ánh và theo dõi xử lý các điểm nguy cơ.

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Tuần trước, đoàn công tác Viện Pasteur TP HCM, Sở Y tế và HCDC đi khảo sát chống dịch ở nhiều địa phương, phát hiện nhiều lốp xe, chum vại chứa nước mưa - môi trường lý tưởng cho muỗi vằn sinh sản, làm lây lan bệnh sốt xuất huyết và gây bùng phát dịch trong cộng đồng.
Do đó, ngành y tế thành phố khuyến cáo người dân chủ động diệt loăng quăng bằng cách loại bỏ vật chứa nước có thể là nơi muỗi vằn đẻ trứng. Các vật chứa nước phục vụ sinh hoạt nhưng ít dùng phải được sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước.
Để diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích, nên ngủ màn, dùng bình xịt hay hương muỗi, thoa kem hoặc khăn xua muỗi, vợt bắt muỗi. Nếu bị sốt, hãy đến ngay cơ sở y tế để khám, không tự ý điều trị tại nhà.
Lê Phương