Đại học Oxford, Anh, ngày 2/12 thông báo "brain rot" (thối não) được chọn là từ của năm 2024. Từ này lần đầu xuất hiện vào năm 1854 trong cuốn Walden của Henry David Thoreau, trong đó nhà văn sử dụng thuật ngữ "thối não" để chỉ trích tình trạng đơn giản hóa quá mức mọi thứ.
"Tại sao người Anh chú tâm cứu khoai tây thối rữa mà không quan tâm đến khắc phục tình trạng thối não, vốn phổ biến hơn và gây hậu quả nghiêm trọng hơn", Thoreau đặt câu hỏi trong cuốn sách hơn 200 năm trước.
Ngày nay, "thối não" được dùng để mô tả tình trạng cuộc sống xoay quanh smartphone, bày tỏ nỗi lo ngại về việc tiêu thụ vô số ảnh chế, video ngắn trên mạng xã hội có thể làm suy giảm sức khỏe tâm thần của nhiều người. Lượt tra cứu từ "thối não" tăng đến 230% trong năm 2024.
"Từ này phản ánh mối nguy hiện hữu từ cuộc sống ảo, từ cách chúng ta sử dụng thời gian rảnh. 'Thối não' mở ra chương tiếp theo trong cuộc thảo luận về văn hóa, công nghệ của nhân loại", Casper Grathwohl, chủ tịch của Oxford Languages, nói.
Một người đàn ông dùng smartphone ở Bỉ, tháng 11. Ảnh: AFP
Các từ lóng trên Internet đang dần phổ biến. Năm 2023, Oxford chọn "rizz", được giới trẻ sử dụng nhiều trên mạng xã hội, là từ của năm. "Rizz" được định nghĩa là phong cách, sự quyến rũ hoặc hấp dẫn, hay khả năng thu hút bạn tình của một ai đó, như một hình thức rút gọn của từ "charisma".
Tony Thorne, chuyên gia ngôn ngữ học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết sự phát triển của vốn từ mới trên Internet phản ánh việc thế giới đang chuyển qua đọc nội dung trực tuyến là chủ yếu.
"Internet dần trở thành nơi ngôn ngữ phát triển và thay đổi. Trước đây, ngôn ngữ thay đổi ở sân chơi, công sở, đường phố, đôi khi chịu tác động từ phim ảnh và truyền hình. Giờ là ở trên Internet", ông Thorne giải thích. "Các nhà xuất bản từ điển đang nỗ lực cắt nghĩa các thuật ngữ mới và kỳ lạ này".
Đức Trung (Theo Washington Post, Reuters, Guardian)