Rahul Sahu - gặp vấn đề về thính giác và không thể nói - đã được cứu thành công sau khi rơi xuống giếng hôm 10/6/2022. Ảnh:
Cậu bé tên Rahul Sahu - gặp vấn đề về thính giác và không có khả năng nói - rơi xuống giếng hôm 10/6/2022 khi đang chơi ở sân sau nhà ở bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ. Theo National News , Rahul bị trượt chân rơi xuống giếng đào bởi cha cậu nhưng không được đậy lại.
Gia đình Rahul phát hiện sự việc khi nghe thấy tiếng khóc. Họ thông báo cho chính quyền địa phương và các nhân viên cứu hộ bắt đầu đào trục gần giếng để tiếp cận cậu bé.
Theo Hindustan Times , khoảng 500 nhân viên - gồm các quan chức từ Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia (NDRF), quân đội và cảnh sát địa phương - đã tham gia vào chiến dịch giải cứu quy mô lớn tiến hành từ tối cùng ngày.
Giải cứu không ngừng nghỉ suốt 105 giờ
Theo New York Post , hoạt động giải cứu cậu bé bị cản trở bởi thời tiết xấu, địa hình nhiều đá và xuất hiện những con vật có độc như rắn và bọ cạp. Ngoài ra, việc cậu bé không thể nói hoặc nghe cũng gây khó khăn cho quá trình cứu hộ, theo quan chức địa phương Jeetendra Shukla.
Nhân viên cứu hộ đã đào một hố sâu 21 m song song với giếng. Sau đó, họ thiết lập đường hầm khác dài 4 m, nối hố với giếng để đưa cậu bé ra ngoài.
Cậu bé được cung cấp oxy và một quả chuối trong suốt thời gian mắc kẹt. Đội cứu hộ cũng lắp đặt camera theo sát hành động của Rahul.
“Khi nhóm tiếp cận được Rahul, chúng tôi gặp vấn đề trong việc cắt đá. Nếu chúng tôi dùng dụng cụ, cậu bé có thể bị thương. Do đó, chúng tôi đã làm cách thủ công”, ông Vijay Agrawal - Cảnh sát trưởng quận Janjgir, bang Chhattisgarh - cho biết.
Người dân địa phương cũng góp sức vào nỗ lực cứu hộ khi họ liên tục bơm nước ra ngoài bởi nước ngầm có thể gây nguy hiểm tại độ sâu nơi Rahul bị mắc kẹt. Ngoài ra, họ cũng dự phòng nguồn cung chất chống nọc độc do lo sợ giếng khoan bị nhiễm độc từ rắn và bọ cạp.
Các nhân viên cứu hộ đã đào một hố sâu 21 m song song với giếng. Ảnh: Quint.
Cuối ngày 14/6/2022, đội cứu hộ đưa được Rahul ra ngoài thành công. Hình ảnh được chia sẻ trên Twitter ghi lại khoảnh khắc cậu bé được khiêng bằng cáng và đưa thẳng lên xe cứu thương.
Khi được đưa ra ngoài, Rahul rất yếu. Giới chức cho biết cậu bé ngay lập tức được đưa đến bệnh viện chuyên khoa ở quận Bilaspur gần đó bằng cách thiết lập “hành lang xanh”, khi tất cả đèn giao thông dọc tuyến đường xe cứu thương chạy chỉ để màu xanh.
Thủ hiến bang Chhattisgarh Bhupesh Baghel cho biết Rahul chỉ có “một con rắn và một con ếch bầu bạn” suốt thời gian mắc kẹt. Trong khi đó, ông Agarwal cho biết đây là một chiến dịch giải cứu khó khăn.
"Cả đội đã làm việc liên tục trong 105 giờ không ngừng nghỉ. Lần cứu hộ này đòi hỏi lòng kiên nhẫn và dũng cảm khi chúng tôi phải vượt qua 18 m trong đường hầm”, ông nói. “Nguy hiểm là vậy, nhưng chúng tôi rất hạnh phúc khi Rahul đã được cứu sống”.
Tại vùng nông thôn Ấn Độ, nhiều giếng nước không có nắp đậy, gây ra tai nạn đáng tiếc với trẻ nhỏ. Năm 2019, một đứa trẻ 2 tuổi thiệt mạng bất chấp nỗ lực giải cứu kéo dài 4 ngày tại bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ.
Cùng năm, một đứa trẻ một tuổi rưỡi được giải cứu tại bang Haryana sau hai ngày. Cậu bé mắc kẹt tên là Nadeem Khan, bất ngờ rơi xuống giếng sâu hơn 18 m gần nhà.
Theo NDTV, lực lượng cứu hộ đã đào cái hố khác sâu khoảng 21 m, cách giếng nơi đứa trẻ rơi xuống khoảng 5 m. Họ chủ yếu thực hiện thủ công thay vì dùng máy móc để đảm bảo đất không rơi trúng đứa trẻ.
Ngoài ra, giới chức cũng cung cấp oxy, bánh quy và nước trái cây cho đứa bé. Họ sử dụng thêm camera để xác định vị trí của Nadeem.
Cuộc giải cứu được cả nước theo dõi
Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã không xảy ra với cậu bé Rayan Awram rơi xuống giếng tại làng Ighara thuộc khu vực đồi núi gần Chefchaouen, miền Bắc Morocco hôm 1/2/2022.
Cuộc chạy đua giải cứu cậu bé khiến người dân Morocco nín thở và người dân toàn cầu dõi theo.
Lực lượng cứu hộ Morocco đã nỗ lực không ngừng nghỉ suốt nhiều ngày đêm để giải cứu nạn nhân mắc kẹt dưới giếng sâu 32 m. Miệng giếng có đường kính quá hẹp - chỉ 45 cm - khiến đội cứu hộ không thể đưa người xuống dưới để đưa nạn nhân lên.
Nỗ lực khoét rộng miệng giếng cũng quá rủi ro do khu vực này chủ yếu là đất pha cát, lẫn nhiều đá, đồng nghĩa với nguy cơ sạt lở cao.
Rayan Awram mắc kẹt trong giếng sâu 32 m và đường kính 45 cm. Ảnh: AP.
Do đó, lực lượng cứu hộ quyết định dùng máy xúc đào dọc sườn đồi song song với giếng để tìm cách cứu cậu bé. Tuy nhiên, 2 m cuối cùng được cho là thử thách khó khăn nhất do nguy cơ sạt lở đất. Họ quyết định đào bằng tay để phòng trừ tình huống này.
Các nhân viên cứu hộ cũng đào một đường hầm ngang. Đội cứu hộ cuối cùng cũng tiếp cận được vị trí của nạn nhân đêm 5/2/2022 nhưng đã quá trễ. Hình ảnh từ truyền thông Morocco cho thấy Rayan được đưa ra khỏi giếng và chuyển tới xe cứu thương.
Vua Mohammed đã gửi lời chia buồn tới cha mẹ nạn nhân, đồng thời ca ngợi lực lượng cứu hộ vì đã làm việc không ngừng nghỉ, trong khi cộng đồng đã kề vai sát cánh với gia đình Rayan, Guardian đưa tin.
GĐXH - Thiết bị chuyên dùng để khoan giếng có chiều dài 500 m được huy động xuống hiện trường cùng 4 kỹ sư vận hành để thăm dò vị trí nạn nhân. Tuy nhiên thiết bị này không thể xác định chỉ số sinh tồn của cháu bé.
GĐXH - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị huy động mọi lực lượng, phương tiện để nhanh chóng cứu bé trai bị rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp.