Manaka Okamoto (22 tuổi, sinh viên) thường cân nhắc lịch trình ngày hôm sau trước khi quyết định mở một chai đồ uống có cồn.
"Nếu tôi phải dậy sớm và nghĩ là 'Ồ, mình nên hoãn uống rượu lại' thì tôi sẽ dùng món gì đó không cồn để có cảm giác vẫn được đi nhậu khi uống một mình. Và tất nhiên, khi đi chơi với những người bạn không uống rượu, có cốc gì đó để hô 'nâng ly' thì thật tuyệt", Okamoto nói với Reuters khi đang ở một nhà hàng tại Tokyo.
Đồ uống ít và không cồn ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, nhất là khi đại dịch khiến nhiều người ý thức hơn về vấn đề sức khỏe. Theo nghiên cứu của IWSR, giá trị thị trường toàn cầu của phân khúc này đã tăng từ 7,8 tỷ USD năm 2018 lên gần 10 tỷ USD vào năm 2021.
Điều này đặc biệt rõ rệt ở Nhật Bản, nơi dân số đang thu hẹp và người trẻ tuổi uống ít hơn nhiều so với những thập kỷ trước. Theo khảo sát của chính phủ, chỉ 7,8% người Nhật ở độ tuổi 20 uống rượu thường xuyên vào năm 2019 so với tỷ lệ 20,3% vào năm 1999.
Ngày càng nhiều người trẻ Nhật Bản thích đồ uống không hoặc ít cồn vì quan tâm tới sức khỏe.
Trước tình trạng sụt giảm liên tục của doanh thu doanh từ việc bán rượu, vào tháng 7, Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản (NTA) đã phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khuyến khích người trẻ uống nhiều rượu hơn.
Các nhà sản xuất đồ uống lớn ở xứ anh đào cũng đang hướng mục tiêu phát triển ra ngoài đất nước. Vào tháng 8, người đứng đầu thương hiệu bia nội địa Asahi Group Holdings cho biết ông coi Bắc Mỹ là thị trường trọng điểm. Suntory Holdings Group cũng đang tìm cách mở rộng thị trường cocktail đóng hộp ở khu vực này.
Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đang tích cực tìm cách cải thiện trải nghiệm ở quán bar cho những người không uống rượu.
Vào một buổi chiều mới đây tại khu giải trí Roppongi, nhiều nhóm phần lớn là phụ nữ trẻ tụ tập tại bữa tiệc "vườn bia" không đồ uống có cồn, dưới bóng một trong những tòa nhà cao nhất Tokyo.
Vườn bia được xem là hoạt động truyền thống vào mùa hè ở Nhật Bản, song ở phiên bản này, người tham gia sẽ được phục vụ nhiều loại mocktail và rượu không cồn thay vì bia.
Nhiều nhà hàng, quán bar bắt đầu tập trung hơn vào nhóm khách không uống đồ có cồn.
"Người tiêu dùng không chỉ thưởng thức đồ uống có cồn nữa. Chúng tôi nghĩ rằng họ xem trọng hoạt động trò chuyện khi uống hoặc muốn tận hưởng bầu không khí ở nơi họ uống hơn", Tổng giám đốc tập đoàn Suntory Masako Koura cho biết.
Kirin Holdings Co cũng đang bán các loại rượu vang, cocktail và bia không cồn. Công ty cho biết doanh số bán bia không cồn đã tăng hơn hai lần trong 3 tháng tính đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
Sapporo Holdings Ltd ghi nhận doanh số bán bia không cồn và ít cồn trong nước tăng 20% trong 6 tháng đầu năm, trong khi doanh số bán bia lon giảm 4%.
Ở Shibuya, quán Sumadori Bar mới mở - đặt theo cách chơi chữ trong tiếng Nhật có nghĩa là "uống rượu thông minh" - còn bán các loại cocktail ngọt, kỳ công có thể pha không cồn hoặc tối đa 3%.
"Quán bar này xem trọng những khách hàng không biết uống rượu, giúp họ có thể trải qua khoảng thời gian vui vẻ cùng những người bạn thích đồ có cồn. Nếu các nhà hàng và quán bar khác có thể hiểu được mục tiêu của chúng tôi, tôi nghĩ họ có thể thu hút nhiều khách hàng hơn", Mizuho Kajiura, giám đốc điều hành của liên doanh do Asahi dẫn đầu, chia sẻ.