Leila, người phụ nữ 50 tuổi ở thủ đô Tunis của Tunisia, cho biết bà đã sống trên đường phố hơn 27 năm qua. Bà không muốn tới trung tâm trú ẩn và cảm thấy an toàn khi sống trong căn lều tạm bợ cạnh lối vào sở thú thành phố Tunis.

Leila luôn vui mừng khi thấy tình nguyện của các tổ chức phi chính phủ Universelle và Samu Social mang đồ ăn và quần áo tới chỗ bà mỗi tối thứ Sáu. Trong những ngày còn lại, bà chỉ ăn không quá một hộp cá mòi.

Bữa ăn tối thứ Sáu hàng tuần được cung cấp từ bếp ăn của "Nhà hàng tình yêu", sáng kiến từ thiện do Universelle phát động ba năm trước nhằm giúp đỡ những người vô gia cư ở Tunis. Số người vô gia cư ở thủ đô của Tunisia ước tính lên tới hàng trăm người.

AFP-20240210-34GW2ZA-v1-HighRe-4098-1713-1707558303.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Nn9gedIap2XQfu7V3MVEAA

Bà Leila (phải) cùng một người vô gia cư khác thưởng thức bữa ăn mà "Nhà hàng tình yêu" cung cấp ở thủ đô Tunis, Tunisia ngày 26/1. Ảnh: AFP

Nizar Khadhari, người đứng đầu tổ chức Universelle, cho biết "Nhà hàng tình yêu" là mô hình kinh doanh giá rẻ kèm giúp đỡ người vô gia cư đầu tiên ở Tunisia. Đây là quán ăn bình dân có giá cả phù hợp với mọi người, với một đĩa mì ống chỉ có giá 4,5 dinar (1,40 USD).

Người vô gia cư có thể ăn uống miễn phí tại nhà hàng, chiếm khoảng 30% trong số 400-450 bữa ăn được phục vụ mỗi ngày. Nhà hàng cũng đặt một chiếc hộp ở quầy thu ngân để khách hàng có thể quyên góp giúp người vô gia cư nếu muốn.

"Tất cả lợi nhuận từ nhà hàng đều dành cho người vô gia cư. Chúng tôi cũng tuyển dụng một số người vô gia cư và cố gắng khuyến khích họ hòa nhập với xã hội", Khadhari nói.

Khadhari dự đoán số lượng người vô gia cư ở thủ đô tiếp tục tăng do chi phí sinh hoạt cao và thiếu cơ hội việc làm. "Tình hình kinh tế đang tác động rất lớn tới nhóm người dễ bị tổn thương này", Khadhari nói.

Tốc độ tăng trưởng của quốc gia Bắc Phi chỉ ở mức 1,2% trong năm 2023, trong khi lạm phát ở mức 8,3% năm 2022, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái vì đại dịch và giá lương thực tăng cao sau khi xung đột Ukraine bùng phát, tỷ lệ nghèo đói ngày càng tăng ở quốc gia 12 triệu dân này. Tỷ lệ nghèo đói trên cả nước Tunisia năm 2021 ở mức 16,6%, nhưng ở khu vực nông thôn là gần 25%.

Sabri, người đàn ông khoảng 30 tuổi kiếm sống bằng nghề bán khăn tay trên đường phố Tunis, cho biết anh nhiều lần muốn tự sát. "Tôi mệt mỏi vì phải sống trên đường phố suốt 20 năm qua" và nhận thấy không có giải pháp nào trước mắt, Sabri nói.

AFP-20240210-34GZ2G9-v1-HighRe-3416-3113-1707558304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dNru4Z2x_5HZ4SsPBpIvKQ

Tình nguyện viên "Nhà hàng tình yêu" chuẩn bị bữa ăn cho người vô gia cư ở Tunis, Tunisia ngày 26/1. Ảnh: AFP

Rafik Bouktif, quan chức Bộ các vấn đề xã hội Tunisia kiêm phụ trách trung tâm cứu trợ ở Tunis, cho biết kết hợp nguồn lực nhà nước và các tổ chức phi chính phủ là cách tiếp cận hiệu quả để giúp nhiều người vô gia cư.

Trung tâm của Bouktif có khoảng 50 người và có ngân sách 400.000 dinar (128.000 USD). Hợp tác với Universelle và Samu Social, trung tâm của Bouktif đang mở rộng phạm vi giúp đỡ người vô gia cư ở vùng Tunis.

"Tham vọng rất lớn, song phương tiện còn hạn chế", Bouktif nói.

Nhiều thực khách từ mọi tầng lớp xã hội ở Tunis cho rằng đó là ý tưởng tuyệt vời. "Chúng tôi ăn nhưng đồng thời cũng giúp người khác có bữa ăn no", Asmaa, nhân viên chính phủ thường ăn cơm ở "Nhà hàng tình yêu" sau khi biết về sáng kiến này qua mạng xã hội, nói.

Thanh Tâm (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022