Joy ngần ngại lì xì cho người cùng trang lứa như anh em họ và bạn bè trong năm đầu tiên sau kết hôn, nhưng được mẹ chồng thuyết phục rằng đây là cử chỉ nhằm cảm ơn và chúc phúc người khác.

"Phong tục, truyền thống Trung Quốc tồn tại lâu nay và chúng ta nên làm theo nếu có thể. Nhưng tôi cũng tin rằng không nên mù quáng tuân theo mọi truyền thống nếu không hiểu ý nghĩa. Nếu phong tục đó chỉ nhằm thể hiện mình có bao nhiêu tiền và có thể cho đi bao nhiêu, tôi thà chọn không tuân theo", Joy, tư vấn viên người Singapore, nói hôm 21/1.

hongbao1-1674289587-8161-1674289813.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=keCsZt9z-jrFUKRemcsPrg

Bao lì xì 20 dollar Singapore. Ảnh: Women's Weekly

Mừng tuổi bao nhiêu là chủ đề được thảo luận sôi nổi trên mạng Internet ở Singapore. Một trang web cho hay số tiền có thể lên tới 756 USD. Tiền mừng tuổi là chủ đề quan trọng của các đôi vợ chồng mới cưới, những người vừa phải gánh vác khoản chi phí lớn như tiệc cưới và mua nhà.

"Thật đau ví. Chúng tôi căng thẳng tài chính vì có quá nhiều phi phí cần phải bỏ ra một lúc đối với một đôi vợ chồng mới cưới", Lim Kai Xing, 26 tuổi, người kết hôn hồi tháng 12, chia sẻ.

Chi phí đám cưới tại Singapore đang gia tăng vì lạm phát và chính phủ tăng thuế hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, vợ chồng Lim dự định vẫn mừng tuổi cho họ hàng, trong đó có anh chị em chưa lập gia đình, vì đây là truyền thống lâu đời trong dòng họ.

Tại Singapore, nơi có hơn 75% dân số gốc Hoa, một số người chưa lập gia đình như Krystal, 28 tuổi, giám đốc điều hành một doanh nghiệp công nghệ, cho rằng phong tục lì xì đang ngày càng "phức tạp hóa".

"Tôi thích nguồn gốc và truyền thống của phong tục này, nhưng không thích cách nó trở thành điều đương nhiên với người thân bởi xu hướng đánh đồng số tiền mừng tuổi với lòng hiếu thảo và sự kính trọng", cô nói.

Krystal vừa lấy chồng nhưng chỉ mừng tuổi bố mẹ, ông bà và có thể cả trẻ em trong gia đình. Cô dự định mừng 7,5-15 USD cho mỗi đứa trẻ, 60 USD cho người lớn tuổi, với tổng số tiền khoảng 380 USD.

Trong khi đó, Loh, 36 tuổi, độc thân, tự hỏi khi nào nên ngừng nhận lì xì của người thân. Anh không dự định lấy vợ và cảm thấy "không ổn" nếu vẫn tiếp tục nhận tiền mừng tuổi của bố mẹ khi mình đã lớn tuổi. Tuy nhiên, anh vẫn cảm thấy thoải mái khi người thân hỏi về chuyện hẹn hò và lập gia đình mỗi khi tặng anh bao lì xì may mắn.

"Đó là truyền thống, quan trọng là chúng ta duy trì điều mình vẫn làm từ khi còn nhỏ. Tôi cảm thấy thoải mái với những phong tục đã quen thuộc từ lâu", anh nói.

Theo khảo sát của báo Singapore Zaobao ngày 18/1 về ảnh hưởng của lạm phát lên tiền mừng tuổi năm 2023, gần 40% trong số 218 người được hỏi cho rằng nên tăng thêm tiền, hơn 35% giữ nguyên mức tiền giống năm ngoái, phần còn lại cho hay sẽ mừng tuổi ít đi.

"Bình thường tôi hay mừng tuổi trẻ con 10 SGD (7,6 USD), đó đã là mức thấp rồi. Do đó, năm nay không thể ít đi. Một năm chỉ mừng tuổi một lần, quan trọng nhất là vui vẻ", bà Phạm Đới Na, 71 tuổi, đã nghỉ hưu, nói.

Quan Chỉ Kỳ, 36 tuổi, giám đốc hành chính một công ty ở Singapore, cho biết sẽ tăng tiền mừng tuổi vì lạm phát. "Năm nay tôi sẽ không mừng 8 SGD nữa mà tăng lên 10 SGD. Vì lạm phát, tôi nghĩ rằng tăng tiền mừng tuổi một chút sẽ hợp lý hơn", cô nói.

La Vĩ Lương, giám đốc tài vụ, 35 tuổi, duy trì tiền mừng tuổi giống mọi năm. Anh sẽ mừng tuổi trẻ con 50 SGD (gần 40 USD), trong khi bố mẹ được mừng nhiều hơn. "Tôi cho rằng tiền phải cho đi mới có lộc nên sẽ không giảm tiền mừng tuổi", La nói.

Ông Sầm Trì Hảo, 78 tuổi, nằm trong nhóm sẽ giảm bớt tiền mừng tuổi dịp Tết năm nay. Ông nói rằng bản thân đã không đi làm nhiều năm, sẽ tiết kiệm hết mức có thể trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái.

Hồng Hạnh (Theo SCMP/Zaobao)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022