GĐXH - Dù người nhận được số tiền chuyển khoản nhầm lên tới 11 tỷ đồng đồng ý trả lại nhưng số tiền mà người phụ nữ nhận lại là 2 tỷ đồng còn ngân hàng khẳng định họ không sai.
Người phụ nữ bỗng dưng mắc nợ vì trả lại 726 triệu đồng tiền chuyển khoản nhầm
Ảnh minh hoạ: Internet
Một ngày năm 2023, chị Ngô ở Thâm Quyến, Trung Quốc, bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng có thêm 210.000 NDT (hơn 726 triệu đồng). Khi đang băn khoăn không biết người chuyển tới là ai thì chị Ngô thấy có số điện thoại lạ gọi đến.
Ở đầu dây bên kia, một người phụ nữ họ Dịch cho biết bà là chủ nhân của số tiền nói trên. Trong lúc chuyển tiền cho đối tác, bà đã vô tình chuyển khoản nhầm vào tài khoản của chị Ngô. Vì cần thanh toán tiền cho đối tác gấp nên chị Dịch hy vọng chị Ngô có thể trả lại tiền ngay cho mình.
Nhận được số tiền lớn, chị Ngô cũng có chút nghi ngờ. Tuy nhiên, khi nghe giọng điệu tha thiết xin lại tiền của đối phương, chị cũng xuôi lòng, đồng ý làm theo chỉ dẫn và chuyển khoản lại tiền cho đối phương.
Cứ tưởng mọi chuyện đã kết thúc ở đây, thế nhưng nửa tháng sau đó, chị Ngô rất sốc khi liên tục nhận được điện thoại từ một người đàn ông xa lạ. Người này thông báo chị đã vay tiền với lãi suất cao trên website của anh ta và hiện tại đã đến thời hạn phải trả nợ. Số tiền mà chị Ngô vay vừa chính xác là 210.000 NDT và phải hoàn trả cả tiền gốc lẫn lãi sau 15 ngày vay.
Nghe đến đây, chị Ngô vô cùng hoang mang vì trước đó, chị chưa bao giờ tham gia dịch vụ vay tiền online nào. Tự nhiên gánh một khoản nợ khổng lồ, người phụ nữ vội đến đồn cảnh sát gần nhất và trình báo lại toàn bộ sự việc.
Lưu ý khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm
Qua điều tra, cảnh sát Trung Quốc xâu chuỗi các sự việc và phát hiện ra rằng tài khoản từng "chuyển nhầm" tiền cho chị Ngô thực chất là tài khoản của một công ty cho vay trực tuyến. Cảnh sát phán đoán thông tin cá nhân của chị đã bị người khác đánh cắp bằng cách nào đó. Không những vậy, kẻ xấu còn sử dụng thông tin đó để vay tiền những bên cho vay nặng lãi. Khi số tiền được chuyển vào tài khoản của người phụ nữ này, chúng sẽ gọi điện và lấy lý do chuyển khoản nhầm rồi xin lại. Vì làm theo yêu cầu của bọn chúng, chị Ngô không chỉ mất tiền oan mà còn trở thành con nợ của bên cho vay nặng lãi.
Cảnh sát cũng cho biết, đối với những giao dịch chuyển khoản hơn 200.000 NDT (hơn 691 triệu đồng), ngân hàng sẽ yêu cầu người gửi phải xác nhận tài khoản người nhận nhiều lần và phải xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền. Với quy trình xác thực phức tạp như vậy, người gửi sẽ không dễ mắc sai sót. Do đó, nếu gặp trường hợp như trên, người dân nên cảnh giác và phải báo cảnh sát để có hướng giải quyết hợp lý
Hiện nay, giao dịch chuyển tiền online qua ứng dụng ngân hàng đã trở nên rất phổ biến với người dùng vì sự tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là miếng mồi ngon để những kẻ lừa đảo thực hiện hành vi xấu.
Cảnh sát Trung Quốc cho biết có rất nhiều kịch bản được những kẻ lừa đảo sử dụng để "gài" những đối tượng nhẹ dạ cả tin vào bẫy. Nhiều người vốn đã cảnh giác với hình thức vay tiền online nhưng điều họ không ngờ lại là những "món nợ" này đôi khi lại đến từ lòng tốt của chính mình. Do đó, cách tốt nhất để tránh rơi vào bẫy là luôn phải nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác, đồng thời nghiêm túc bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Trong trường hợp bị lừa đảo, bạn nên nhớ bình tĩnh và giữ lại đầy đủ bằng chứng điện tử (chẳng hạn như bản ghi trò chuyện, tin nhắn văn bản, số tài khoản ngân hàng, ….) và báo ngay cho cảnh sát để được hướng dẫn xử lý.