Năm 1995, con trai ông là Tariq Khamisa, sinh viên năm nhất, đang giao pizza thì bị một băng nhóm tuổi vị thành niên chặn cướp. Tariq chống trả, từ chối giao bánh cho đám thiếu niên. Khi Tariq lái xe đi, Tony Hicks, thành viên băng nhóm, bắn chết anh bằng một khẩu súng vốn là đồ ăn trộm.
Tony khi đó 14 tuổi. Tariq 20 tuổi, đang theo đuổi ước mơ nhiếp ảnh gia và chuẩn bị kết hôn.
"Cơn đau không tưởng. Tôi như có trải nghiệm thoát xác vậy", ông Azim nhớ lại đêm nằm bất lực khi hay tin con mất.
Nhưng chỉ vài giờ sau, ông Azim, người theo đạo Hồi, cảm thấy được giác ngộ, như "vừa nhận thông điệp từ đấng tối cao". Ông nhận ra có đến hai nạn nhân trong sự việc và không phải chỉ mình Tony chịu trách nhiệm.
"Kẻ giết con tôi không phải mình thiếu niên 14 tuổi đó, mà chính là xã hội, chính là do chúng ta chưa giải quyết được vấn nạn người trẻ dính líu băng đảng, ma túy, rượu bia", Azim kể lại suy nghĩ khi đó.
Ông quyết định sứ mệnh đời mình là thay đổi thực trạng này, đồng thời làm điều mà không ai nghĩ tới: tìm cách tha thứ, kết bạn với người giết con trai mình.
Ông Azim (phải) chụp ảnh cùng Tony, người sát hại con trai mình năm 1995. Ảnh: WP
9 tháng sau cái chết của con trai, Azim thành lập Quỹ Tariq Khamisa, giúp thúc đẩy môi trường an toàn trong các trường học và cộng đồng, ngăn thanh thiếu niên trở thành tội phạm.
Ông lên kế hoạch lập quỹ sau khi gặp Ples Felix, ông ngoại của Tony, tại văn phòng luật sư bào chữa cho sát thủ 14 tuổi này. Khi được bố nạn nhân ngỏ lời thực hiện sứ mệnh, ông Ples không chần chừ, lập tức đồng ý.
"Tôi không muốn sống phần đời còn lại trong hận thù, oán giận, sau cùng chỉ tự làm tổn thương mình. Đến một ngày nào đó, tất cả sẽ phải học cách tha thứ, điều có thể kiến tạo hòa bình, thay đổi xã hội", ông Azim, hiện 75 tuổi, nói.
Trong vòng 28 năm sau đó, Azim và Ples đã phát biểu tại hàng trăm cuộc họp, sự kiện trong trường học và nhà tù. Họ kể lại vụ án mạng bi thảm đã gắn kết họ.
Ông Azim cũng tìm cách kết nối với Tony để trực tiếp tha thứ thiếu niên này. Tony học lớp 8 khi gây án, trở thành nghi phạm trẻ nhất California chịu xét xử như người trưởng thành. Tony bị kết án tù tối thiểu 25 năm và tối đa tù chung thân (có thể được trả tự do sau 25 năm nếu có hành vi cải tạo tốt).
Khi bố nạn nhân tìm gặp, Tony ban đầu từ chối. "Điều đó khiến tôi thấy không thoải mái, tôi thấy mình không xứng đáng được tha thứ cho những gì đã gây ra", Tony kể lại.
Ông Ples (trái) phát biểu cùng ông Azim tại trường trung học Southwest ở San Diego, năm 2018. Ảnh: WP
5 năm sau, Tony mới sẵn sàng gặp ông Azim. Hai người trò chuyện trong 6 tiếng tại nhà tù Folsom, California.
"Đó là một trong những cuộc hội thoại khó khăn nhất trong đời tôi", Tony, hiện 43 tuổi, nhớ lại, cho biết ông Azim đã hỏi về đêm định mệnh đó, cũng như hoàn cảnh đưa đẩy Tony bóp cò.
Tony được sinh ra khi mẹ anh mới 14 tuổi. Cha Tony không xuất hiện trong đời anh. Năm 9 tuổi, người mẹ gửi Tony đến sống cùng ông ngoại Ples.
"Việc này khiến tôi cảm giác bị mẹ bỏ rơi. Khu tôi sống tràn ngập băng đảng, phần lớn thành viên gia đình tôi đều dính líu đến các băng nhóm", Tony, người gia nhập băng đảng từ năm lớp 6, nói.
Khi các thành viên nhóm thúc giục Tony nổ súng bắn Tariq, anh cho biết "bản thân chẳng suy nghĩ gì hết".
Nghe Tony kể lại chuyện đời, ông Azim nhìn thẳng vào mắt anh, cố gắng hiểu rõ tâm can chàng trai trẻ. Ông nói đã tha thứ cho Tony, khuyến khích anh tham gia Quỹ Tariq khi ra tù.
Cả hai người đàn ông được giải thoát gánh nặng trong lòng sau cuộc trò chuyện hôm đó. "Ông ấy cho tôi cơ hội để bắt đầu học cách tha thứ cho bản thân và những người làm tổn thương tôi trong đời. Quá trình này diễn ra rất chậm và đau đớn", Tony nói.
Ông Azim và con gái Tasreen (giữa) chụp ảnh cùng ông cháu Tony. Ảnh: WP
Tony và Azim giữ liên lạc. Một thời gian sau, Tasreen Khamisa, con gái ông Azim, cũng tìm đến Tony đang ngồi tù. Cô mất 20 năm vật lộn với nỗi đau mất anh trai, nhưng rồi hiểu Tariq không phải nạn nhân duy nhất. Tasreen bắt đầu gọi điện cho Tony hàng tuần.
"Tôi cảm thấy có trách nhiệm đảm bảo Tony có cơ hội chữa lành vết thương lòng và tìm ra mục đích đời mình", Tasreen nói.
Trong nhiều năm, ông Ples và gia đình Azim đã trở thành chỗ dựa cho Tony, nỗ lực vận động hành lang để trả tự do cho anh. "Tôi cố thuyết phục giới chức rằng Tony có việc cần làm và việc này không nằm sau song sắt", ông Azim kể.
Năm 2019, Tony được ra tù sớm sau 24 năm ngồi tù, ở tuổi 38. Kể từ khi được trả tự do, Tony tìm gặp và hàn gắn quan hệ với cả bố và mẹ. Anh tham gia hội đồng quản trị Quỹ Tariq Khamisa, nhiều lần phát biểu trong các trường học về câu chuyện đời mình, khuyến khích sinh viên tránh xa con đường băng đảng.
Tony cho biết đang làm lại cuộc đời với công việc thợ sửa ống nước. "Đó sẽ là một quá trình rất chậm, nhưng tôi đang làm tốt trong 5 năm qua", Tony nói.
Anh khẳng định được như hiện tại là nhờ gia đình ông Azim, những người anh coi như ruột thịt. Ông Azim cũng cho biết Tony đã trở thành thành viên quan trọng trong gia đình. "Tôi coi cậu ấy như con trai".
Mỗi khi ăn tối, ông Azim thường để chân dung Tariq đối diện và thắp nến.
"Tôi tin thằng bé tự hào về quyết định tha thứ cho Tony của tôi. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có ngày Tariq và Tony gặp lại, cùng hàn huyên về quá trình truyền cảm hứng cho nhiều thanh thiếu niên Mỹ lầm đường lạc lối", ông Azim nói.
Đức Trung (Theo Washington Post)