Ảnh: O.C
Theo trang Oddity Central (Anh), khi các nền tảng video trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, không có gì ngạc nhiên khi hàng triệu người trên khắp thế giới đang nỗ lực xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong đó, làng Tulsi, vùng nông thôn nhỏ ở bang Chhattisgarh, đã có 1/3 trong số 3.000 người dân địa phương, tích cực làm video và đăng lên nền tảng YouTube để thu lợi nhuận.
Nhiều người trong số họ từng là nông dân, nhưng sau khi nghe nói rằng thu nhập của một số người trong làng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, từ việc làm video trên YouTube, họ quyết định thay đổi nghề nghiệp.
Làng YouTube của Ấn Độ xuất hiện từ câu chuyện khởi nghiệp của hai người bạn, Gyanendra Shukla và Jai Verma. Họ đã lần lượt rời bỏ công việc kỹ sư mạng và giáo viên để theo đuổi nghề sáng tạo nội dung trên Youtube. Chẳng bao lâu sau, họ bắt đầu kiếm được một khoản tiền khá lớn từ nỗ lực mới của mình. Câu chuyện thành công của họ đã lan truyền khắp làng, truyền cảm hứng cho nhiều người theo đuổi đam mê.
Shukla nói với hãng tin ANI: “Trước đó, tôi đã làm kỹ sư mạng ở SBI. Văn phòng của tôi có Internet tốc độ cao và tôi thường lên YouTube xem video ở đó. Tôi đặc biệt yêu thích phim ảnh. Vào năm 2011 – 2012, phiên bản mới của YouTube ra mắt. Vào thời điểm đó, các kênh trên YouTube rất hạn chế. Tôi không hài lòng với công việc đang làm lúc đó nên đã chuyển sang làm YouTuber. Đến nay, tôi đã sáng tạo khoảng 250 video và có 115.000 người theo dõi”.
Khoảng 40% dân số trong làng Tulsi đang tham gia làm nội dung video cho trên nền tảng như YouTube, TikTok hoặc Instagram. Trong số đó, người trẻ nhất là 15 tuổi và người lớn tuổi nhất là cụ bà 85 tuổi. Khoảng 40 kênh chính có trụ sở tại làng Tulsi, với nội dung phong phú, từ hài kịch và âm nhạc đến giáo dục và các nội dung tự sản xuất. Kênh phổ biến nhất có trung bình trên 100.000 người đăng ký chỉ riêng trên nền tảng Youtube.