"Hồi đó họ trông như những nữ hoàng. Bây giờ, không ai đặt chân tới đây nữa", một nhân viên phòng trưng bày cho hay.
Những thập kỷ gần đây, ngành công nghiệp lông thú suy giảm sau khi liên tục hứng chỉ trích của các nhà hoạt động vì quyền động vật. Nhưng trang phục kiểu này vẫn được ưa chuộng ở những quốc gia như Nga hay Trung Quốc.
Nhân viên treo áo khoác lông thú trong phòng trưng bày ở thành phố Siatista, miền bắc Hy Lạp, ngày 1/2. Ảnh: AFP
Hy Lạp, nhà xuất khẩu lông thú lớn sang Nga, chịu đòn giáng nặng nề khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt Moskva. Lông thú nằm trong số các mặt hàng xa xỉ bị cấm xuất khẩu sang Nga.
Hàng chục doanh nghiệp ở Kastoria và Siatista, miền bắc Hy Lạp, nơi sản xuất lông thú từ thế kỷ 15, buộc phải đóng cửa. "Chúng tôi dừng hoạt động. Tôi cho 80% nhân viên nghỉ việc, tổng cộng 52 người", Akis Tsoukas, chủ tịch Liên đoàn lông thú Hellenic nói.
Theo nghiên cứu năm 2019 của Ernst và Young, lông thú nằm trong số 12 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hy Lạp, với những chiếc áo khoác lên tới 213.000 USD.
Tsoukas cho biết trước đại dịch, xuất khẩu lông thú năm 2019 thu về 116 triệu USD, trong đó gần một nửa doanh thu đến từ Nga; 22,9 triệu USD từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, nơi khách hàng cũng chủ yếu là người Nga; Ukraine chiếm 10,7 triệu USD.
Một năm sau, xuất khẩu cơ bản giảm về gần bằng 0, theo Tsoukas. Đại dịch ảnh hưởng nặng nề tới ngành, khi hàng triệu con chồn bị tiêu hủy tại các trang trại nuôi thú lấy lông do chúng dương tính với nCoV.
Không thể xuất khẩu hàng hóa sang Nga, lao động địa phương chuyển tới Nga tìm việc làm. Apostolis Gravas, 47 tuổi, điều hành công việc kinh doanh lông thú của gia đình ở Siatista, cho hay đã học nghề từ bé.
"Covid-19 và cuộc xung đột đã làm chúng tôi cạn kiệt. Chúng tôi đang tuyệt vọng. Đó là lý do tôi sang Nga tìm việc. Nhiều người khác cũng có chung mong muốn", ông nói.
Hai vợ chồng bà Mary, 59 tuổi và ông Kostas Fotis, 67 tuổi, trong xưởng may lông thú ở thành phố Siatista, miền bắc Hy Lạp, ngày 1/2. Ảnh: AFP
Maria Fotis, người làm việc trong ngành lông thú từ năm 1979, cho hay Nga đang tìm kiếm công nhân giàu kinh nghiệm để làm việc trong nước. "Tôi thấy họ không bị cuộc chiến ảnh hưởng nhiều. Vì không thể mua được lông thú ở Hy Lạp, họ bắt đầu tự sản xuất và bán trong nước", bà nói.
Bà tìm được việc làm trong xưởng ở Chelyabinsk, miền nam nước Nga. Fotis cho hay 6 trong số 8 người được tuyển dụng là người Hy Lạp. "Nhưng họ chỉ có thể ở Nga trong ba tháng tới khi hết hạn thị thực", bà lưu ý.
Christos Zefklis, thị trưởng Voio, cho hay 80% cư dân ở gần và xung quanh Siatista sống nhờ ngành lông thú. "Họ sẽ học nghề mới bằng cách nào? Toàn bộ quá trình chuyển sang mô hình kinh tế mới đều rất tốn kém so với mức sống của họ", ông nói.
Số liệu chính thức cho thấy một nửa trong số 4.000 thợ may lông thú ở Siatista và Kasstoria buộc phải bỏ nghề trong năm nay. Miltos Karakoulakis, phát ngôn viên Hiệp hội các nhà chăn nuôi động vật lấy lông ở Panhellenic, cho hay các trang trại nuôi chồn trong khu vực cũng bị ảnh hưởng, giảm một nửa sản lượng.
40 trong số 92 trang trại đã đóng cửa. Số còn lại dự kiến nuôi một triệu con chồn, giảm so với 1,8 triệu con những năm trước. Các nhà sản xuất lông thú đang tìm cách khai thác thị trường mới ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Chúng tôi sẽ thử tập trung vào thị trường khác thêm vài năm nữa. Có thể sẽ có cách để vượt qua lệnh cấm vận. Chúng tôi chỉ buôn lông thú mà thôi, đâu phải buôn vũ khí", Nikos Gliayas, 50 tuổi, có gia đình làm trong ngành từ năm 1960, nói.
Các thương hiệu thời trang lớn những năm gần đây không còn sử dụng lông thú cũng như da cá sấu và da rắn, đặc biệt khi thế hệ trẻ yêu cầu sản phẩm mang tính nhân đạo hơn.
Những tổ chức bảo vệ quyền động vật như PETA nói rằng chồn, cáo, sóc và những động vật lấy lông khác bị nhốt trong môi trường đông đúc và bẩn thỉu, bị giết một cách dã man, đôi khi bị lột da sống.
Cửa hàng bán phụ kiện lông thú ở thành phố Kastoria, miền bắc Hy Lạp, ngày 2/2. Ảnh: AFP
Tại Hy Lạp, một số thương nhân cố duy trì hoạt động bằng cách sản xuất sản phẩm từ da cừu, mặt hàng dễ chấp nhận về mặt đạo đức hơn lông chồn.
"Chúng tôi đang cố duy trì hoạt động kinh doanh bằng cách sản xuất đồ da cừu", Stelios Porporis, giám đốc tiếp thị của một trong những doanh nghiệp lông thú lớn nhất khu vực, giải thích.
Ông cho hay da cừu được xử lý để giống như da hải ly hoặc hải cẩu, "được thị trường dễ chấp nhận hơn bởi thịt cừu có mặt trong chuỗi thức ăn".
Hồng Hạnh (Theo AFP)